Truy tố 24 bị can nhập lậu hơn 6 tấn vàng

Ngày 30-3, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Minh Phụng (sinh năm 1981, quê Bình Định), Nguyễn Thị Kim Phượng (sinh năm 1985, quê Tây Ninh) và 22 bị can khác về tội "Buôn lậu”.

Theo cáo trạng, các bị can nhận thấy giá vàng ở Việt Nam cao hơn Campuchia nên từ đầu năm 2022 đã lập ra 2 đường dây, buôn lậu tổng cộng 6.150kg vàng qua biên giới. Vàng lậu được tiêu thụ tại Tây Ninh, TPHCM, thậm chí còn "lên máy bay" ra Hà Nội.

vàng miếng.jpg
Khối vàng miếng. Ảnh minh họa

Cụ thể, đường dây thứ nhất do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu. Bị can từng làm việc tại các cửa hàng vàng nên quen biết nhiều người trong lĩnh vực này nên đã tổ chức, phân công những người khác thực hiện buôn lậu. Phụng tìm hiểu nhu cầu của khách mua trong nước rồi liên hệ sang Campuchia đặt mua, thuê người chở về nước. Nhóm này bị cáo buộc lợi dụng chính sách "không kiểm soát thường xuyên phương tiện đi lại vì mục đích sinh hoạt của cư dân biên giới" để chuyển hàng.

Người trực tiếp chuyển vàng là bị can Nguyễn Thị Ngọc Giàu (sinh năm 1980, ở Tây Ninh). Bị can này cho người của mình nhận vàng tại Phnom Pênh, chở đến cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh), để vào ngăn bí mật của xe ba gác, chất đá lạnh lên trên "ngụy trang" rồi đưa qua biên giới. Sau đó, vàng được tập kết tại xưởng đá lạnh của Giàu tại huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) trước khi chia nhỏ, giao cho người của bị can Phụng.

Cơ quan điều tra xác định, từ 3-8-2022 đến khi bị phát hiện ngày 28-9-2022, đường dây này buôn lậu trót lọt 4.830kg vàng thỏi tổng trị giá hơn 6.644 tỷ đồng. Qua đây, 17 bị can trong đường dây hưởng lợi hơn 17,6 tỷ đồng.

Đường dây thứ hai do Nguyễn Thị Kim Phượng (em ruột bị can Ngọc Giàu) cầm đầu. Phượng sống ở biên giới, quen người bán vàng bên Campuchia nên đặt mua với giá 54.000USD/kg vàng 9999 rồi mang lậu về Việt Nam.

Viện kiểm sát cáo buộc, từ 16-7-2022 đến 28-9-2022, đường dây của Phượng buôn lậu thành công 1.320kg vàng, trị giá hơn 1.817 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án, cơ quan tố tụng xác định, trong thời gian các bị can buôn lậu, thường xuyên có một người Việt và một người Campuchia giao nhận xe máy chở đá lạnh cho nhau vào giờ cố định hằng ngày.

Khung thời gian này thuộc trách nhiệm trực kiểm soát của 9 cán bộ Đồn biên phòng Chàng Riệc. Những cán bộ này có dấu hiệu của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" nên công an đã chuyển hồ sơ cho Bộ Quốc phòng giải quyết theo thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục