Truyền tải kiến thức pháp luật thời công nghệ số

Chia sẻ bên hành lang buổi phát động Ngày hội Pháp luật TPHCM vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế, luật sư đang công tác tại một số trung tâm trọng tài thương mại cho rằng, trong bối cảnh mà mọi người sẵn sàng ăn, ngủ, sống cùng các thiết bị công nghệ số như hiện nay, thì việc tuyên truyền kiến thức pháp luật cũng nên bám sát thực tiễn.  
Các bạn trẻ tìm hiểu kiến thức pháp luật tại một sự kiện do Sở Tư pháp TPHCM tổ chức
Các bạn trẻ tìm hiểu kiến thức pháp luật tại một sự kiện do Sở Tư pháp TPHCM tổ chức
Thông điệp sáng tạo, đổi mới
Điểm sơ qua một số trung tâm trọng tài thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp (DN)…, bình quân có khoảng vài lượt tư vấn, tập huấn kiến thức pháp luật chuyên ngành cho DN mỗi tuần. Để DN nắm được các thông tin cần thiết theo nhu cầu, hầu hết lịch tập huấn cụ thể gồm ngày giờ, địa điểm, nội dung… đều tự động gửi qua thư điện tử hoặc nhắn qua số điện thoại. Ngoài ra, các khóa học ngắn hạn trực tiếp hoặc online cũng liên tục được mở ra để hỗ trợ khách hàng, những DN, người dân muốn nâng cao, cập nhật kiến thức. “Chúng tôi khá bận rộn nên việc hỗ trợ các kiến thức sát sườn, các bài tập tình huống thực tiễn thông qua những buổi học trực tuyến cũng là một trong những phương pháp hiện đại mà nhiều trường đại học, trung tâm đào tạo áp dụng”, anh Nguyễn Văn Nam, giám đốc một doanh nghiệp có trụ sở tại quận 7, TPHCM chia sẻ. 
Lãnh đạo Sở Tư pháp TPHCM thông tin, chủ đề Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay nhấn mạnh đến hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đồng hành cùng người dân và DN. Chính vì nội dung hướng đến rất rộng, đa ngành nghề, đa lĩnh vực nên việc tuyên truyền kiến thức rất sáng tạo. Tùy đối tượng tiếp nhận kiến thức (lớp trẻ, thanh niên, sinh viên hoặc DN…) mà địa phương, các sở, ngành sẽ có định hướng tuyên truyền phù hợp. 
Ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp lưu ý, hình thức phổ biến cần được đổi mới, đa dạng, phong phú, không chỉ trên diện rộng mà còn chú trọng đến chiều sâu. Tại TPHCM đã và đang có nhiều mô hình mới, cách sáng tạo như: các cuộc thi tìm hiểu pháp luật định kỳ tại các trường phổ thông, đại học; tuần lễ tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí; phiên tòa giả định; tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa thông qua một số tiểu phẩm (như Gia đình facebook; Tình hàng xóm…). Ông Phan Chí Hiếu nhìn nhận rằng, các phương thức tuyên truyền của TPHCM nói riêng, một số địa phương nói chung cần sớm được tổng kết, đánh giá để giới thiệu, nhân rộng trong thời gian tới. 
Nâng cao chất lượng, hiệu quả
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định, TPHCM đã và đang cùng các địa phương trong cả nước tích cực triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, DN dưới nhiều hình thức; không ngừng đổi mới nội dung, giúp nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật đến mọi người, nhất là cán bộ đảng viên, nhân dân TP. Từ đó, góp phần triển khai hiệu quả các quy định của pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. Trong đó, Sở Tư pháp tăng cường triển khai thi hành hiến pháp, các luật mới gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X; kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của TP; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các thỏa thuận quốc tế liên quan đến người dân, DN…
Chia sẻ về một số vướng mắc, khó khăn trong tiến trình hội nhập của các DN nhỏ và vừa, bà Nguyễn Mai Thanh, Giám đốc Công ty L.H, chuyên doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trái cây tại TPHCM cho rằng, đó chính là sự thiếu tự tin cũng như thiếu thông tin, kiến thức pháp luật nên dễ xảy ra kiện tụng. Do vậy, bà Mai Thanh mong muốn rằng, các câu lạc bộ hỗ trợ DN khởi nghiệp, các hiệp hội, trung tâm trọng tài thương mại… nên quan tâm nhiều hơn đến thành phần kinh tế này. “Chúng tôi chỉ là những doanh nghiệp nhỏ li ti như cách ví von của các chuyên gia kinh tế. Mặc dù thời gian qua Nhà nước đã có hàng loạt động thái tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng lý thuyết và thực tế còn độ vênh rất lớn. Các thủ tục giấy tờ vẫn còn nhiêu khê. Chúng tôi vẫn bị hành bởi một số cán bộ thuộc các cơ quan chuyên trách địa phương như quản lý thị trường, thuế…”, bà Nguyễn Mai Thanh thẳng thắn nói. 
Đáng lưu ý, ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị lãnh đạo TPHCM nên thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân… Mục tiêu hướng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền các kiến thức pháp luật, trong đó có Luật Trọng tài thương mại. Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng động viên DN, các bạn trẻ, người dân nên chủ động tìm hiểu thêm về kiến thức pháp luật có liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề mà mỗi người đang theo đuổi và quan tâm. Từ đó góp phần thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng năng động, tích cực; giảm thiểu những trường hợp vi phạm pháp luật đáng tiếc do thiếu thông tin, không hiểu biết…

Tin cùng chuyên mục