Sau ngày 30-4-1975, niềm vui chiến thắng ngập tràn trong lòng mọi người dân Sài Gòn và cả nước. Những cán bộ, công nhân quân giới Nam bộ dù tập kết về hay ở lại bưng biền đều mừng khôn xiết vì sau bao nhiêu năm làm ra súng, đạn, mìn đánh giặc, giờ đây họ đã trở lại với đời thường.
Hễ có dịp, họ lại tìm đến nhau để ôn lại chuyện cũ và đề nghị Quân khu 7, lãnh đạo TPHCM thành lập “Câu lạc bộ Truyền thống quân giới Nam bộ - B2”. Ngày 1-5-1976, tại TPHCM, hơn 300 anh chị em cán bộ, công nhân quân giới của hầu hết các tỉnh Nam Bộ đã về họp mặt, bầu ra ban chủ nhiệm gồm 14 đồng chí. Ban liên lạc xác định hai việc làm cần thiết là biên soạn và xuất bản tập “Lịch sử quân giới Nam bộ” trong hai cuộc kháng chiến và sưu tầm phục chế những vũ khí tự tạo mà nhân dân, quân giới Nam bộ và Nam Trung bộ đã làm ra đánh địch từ 1945 đến 1975.
Được Quân khu 7, Quân khu 9 và lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, giúp đỡ, cuốn “Lịch sử quân giới Nam bộ 1945-1954” đã được xuất bản vào năm 1991, cuốn “Lịch sử quân giới Nam bộ và Nam Trung bộ 1954-1975” xuất bản vào năm 1998. Đến năm 2008, Ban liên lạc Truyền thống quân giới Nam bộ - B2 đã chỉnh lý, bổ sung và in thành một tập với tên gọi “Lịch sử quân giới Nam bộ - B2 trong chiến tranh giải phóng 1945 - 1975”. Thành ủy và UBND TPHCM đã giúp đỡ toàn bộ tài chính để in 1.000 cuốn sách lịch sử này.
Làm sử đã khó, sưu tầm và phục chế vũ khí tự tạo càng khó hơn. Vũ khí tự tạo thời đánh Pháp phần lớn do dân quân du kích, bộ đội địa phương làm ra và sử dụng. Hiện vật chỉ còn lưu lại trong trí nhớ những người làm ra nó, mà bây giờ họ đã ở tuổi 60, 70. Ban liên lạc phân công nhau từng tốp đi sưu tầm vũ khí tự tạo. Đến đâu, các thành viên trong ban cũng được giúp đỡ, khi thì bữa cơm, khi xăng xe đi lại.
Gặp lại nhiều đồng đội cũ, họ lại nhận được những tư liệu quý qua các bản vẽ tay về những vũ khí được sáng tạo trong kháng chiến. Cũng có người còn giữ lại được những cuốn sổ tay ghi từ hồi chống Pháp về các loại vũ khí đã sản xuất với đầy đủ các thông số kỹ thuật, tính năng, tác dụng… Đó là các loại mìn lõm, đạn lõm mà hiệu quả hơn loại bình thường rất nhiều. Những Bazômin, FT đánh sập nhiều lô cốt, hầm ngầm của địch; súng Stel, Thompson theo mẫu của địch đến chế tạo Bazoka, SKZ, SSA rất độc đáo, riêng biệt phù hợp với hoàn cảnh của chiến trường Nam bộ.
Đã có mẫu vẽ rồi, ban liên lạc lại cất công đi tìm người, tìm nơi gia công sản phẩm. Lại phải nhờ vào những người thợ năm xưa. Họ vui vẻ làm mà không tính công, tính chi phí, bởi thật ra, nếu tính tiền thì ban liên lạc cũng chẳng có tiền để trả, vì ai đến với công việc này cũng đều vì tấm lòng. Hoàn thành hiện vật nào, ban liên lạc đem trưng bày hiện vật đó. Lúc đó, Quân khu 7 cho ban liên lạc một phòng rộng 300m2 trong Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ để trưng bày và chỉ sau một thời gian ngắn đã có đến 450 hiện vật, 113 hình ảnh minh họa, một số sa bàn giới thiệu những trận đánh tiêu biểu bằng vũ khí tự tạo.
Phòng trưng bày vũ khí tự tạo đã đón nhiều khách trong và ngoài nước đến tham quan. Mỗi năm có khoảng hơn 20.000 học sinh, sinh viên đến tìm tư liệu phục vụ việc học tập. Tiếng lành đồn xa, năm 2008, Ban liên lạc Truyền thống quân giới Nam bộ - B2 cùng với Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ và Xưởng OX1 Quân khu 7 phục chế 166 hiện vật lấy mẫu từ vũ khí tự tạo đưa ra trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Hơn 30 năm, những người thợ quân giới già như những con ong chuyên cần xây tổ, để bây giờ có được một phòng học lịch sử bằng hình ảnh sinh động. Ở đây, lớp trẻ có thể tìm thấy phần trả lời của câu hỏi: Vì sao cha ông ta chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh giành độc lập cho Tổ quốc.
Hàng ngày, đến với phòng trưng bày vũ khí tự tạo (Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ, 247 Hoàng Văn Thụ, phường 1, quận Tân Bình) sẽ bắt gặp những cựu chiến binh quân giới tóc bạc, tận tình hướng dẫn du khách…
TẤN HOÀI – TRẦN VĂN