Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nội dung được nhiều ĐBQH và cử tri quan tâm. TS Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế QH đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này. Ông Kiên nói:
- Theo tôi, lạm phát kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong tháng 5 khi điều chỉnh lương cơ bản. Nhìn chung, khi tính tổng các mặt hàng hình thành CPI, chúng ta sẽ thấy nhóm mặt hàng xây dựng, dịch vụ khác sẽ giảm trong quý 2. Nhưng nhóm các mặt hàng tiêu dùng và liên quan trực tiếp tới đời sống hàng ngày sẽ tiếp tục tăng trong quý 2.
- PV: Chỉ mới 3 tháng mà lạm phát đã tăng trên 6%, vậy theo ông liệu năm nay có thể lạm phát tới hai con số như năm 2010?
- TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Ngay từ tháng 3 mà chúng ta đưa ra dự báo lạm phát hai con số cho cả năm thì hơi vội. Nên nhìn nhận bài toán lạm phát cả năm trên mặt bằng của Nghị quyết 11 của Chính phủ mới ban hành. Nếu nghị quyết thực hiện tốt, chúng ta vẫn đảm bảo tăng trưởng GDP cả năm trên 6%. Và nếu với mức tăng trưởng trên 6% thì theo dự báo của cá nhân tôi và một số chuyên gia khác lạm phát cũng chỉ cỡ 9%-10%. Như vậy là chấp nhận được trong quá trình kiềm chế lạm phát.
- Vậy theo ông đỉnh lạm phát sẽ rơi vào thời điểm nào?
- Tôi nghĩ lạm phát năm nay sẽ đi xuống sau 6 tháng đầu năm, đó là thời gian lạm phát tăng cao nhất. Sau khi chúng ta tăng giá điện, một số mặt hàng khác vào tháng 3, còn có đợt tăng lương vào tháng 5. Vì vậy sẽ vẫn còn đà tăng giá. Tăng giá điện và tăng giá than của tháng 3 sẽ có vòng 2 tác động tới nền kinh tế vào tầm cuối quý 2 hoặc đầu quý 3.
- Một số chuyên gia thế giới cảnh báo lạm phát hiện nay còn có nguyên nhân cả từ phía cung, do sự gián đoạn nguồn cung ở một số nước. Vì thế, nếu chống lạm phát bằng cách giảm tổng cầu quá mạnh có thể gây hại cho nền kinh tế, quan điểm của ông thế nào?
- Chính xác là như thế. Việc kiềm chế lạm phát phải thể hiện hài hòa giữa cung và cầu. Khi giảm tổng cầu nhiều quá sẽ hình thành giảm nguồn cung. Khi giảm nguồn cung một là do cưỡng bức nội tại trong nền kinh tế, nhưng khi giảm như thế lại phải cân nhắc các yếu tố về nguồn cung từ bên ngoài. Ngay như bây giờ với nhà máy Dung Quất, nếu không tính toán đúng đủ các yếu tố ở Bắc Phi ảnh hưởng tới tình hình thế giới thì sẽ có vấn đề.
- Theo ông, việc kiểm soát tín dụng ở mức 20% và mặt bằng lãi suất hiện nay có hợp lý không?
- Muốn không bị tác động lớn lắm của thị trường tín dụng thì phải chọn phương thức tái cơ cấu của doanh nghiệp. Chúng ta cứ nói về tái cơ cấu nền kinh tế, việc này cần bắt đầu từ chính DN và đây chính là cơ hội để các DN thực hiện lại tái cơ cấu. Khi anh không thể tiếp cận được những nguồn vốn hợp lý nữa thì anh phải cân nhắc lại. Như vậy, chúng ta thông qua thị trường để cưỡng bức các nhà DN thực hiện tái cơ cấu DN mình phù hợp với xu thế của nền kinh tế trong những năm tới. Nhưng nhìn chung duy trì lãi suất tiền vay như hiện nay sẽ hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp. Khó có thể tính toán mức lãi suất hợp lý nào cả, tùy ngành nghề, những ngành rủi ro có thể lợi nhuận tới 300% thì với họ lãi suất 20% là bình thường nhưng với nông nghiệp thì lãi suất 15% là gay.
- Xin cảm ơn ông!
HÀM YÊN