Đề xuất nhiều giải pháp mới chống gian lận xuất xứ hàng hóa

Một trong những nội dung hoàn toàn mới được quy định tại dự thảo nghị định về quản lý ngoại thương về nguồn gốc hàng hóa (thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP) là quy định về chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Ảnh minh họa
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Ảnh minh họa

Ngày 8-7, dự thảo nghị định về quản lý ngoại thương về nguồn gốc hàng hóa (thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP) được gửi đến Bộ Tư pháp thẩm định nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, phòng chống gian lận xuất xứ, nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, tự chủ. Đây là một trong những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong bối cảnh các chính sách thương mại mới, đặc biệt từ Hoa Kỳ, đang buộc Việt Nam phải tăng cường nội địa hóa và tự sản xuất, thay vì chỉ gia công hoặc nhập khẩu sản phẩm trung gian.

Đáng chú ý, dự thảo đề xuất quy định mới về giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ (TCNXX) – một loại chứng từ xác nhận hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia thành viên điều ước quốc tế, sau đó được tái xuất hoặc bán trong nước nhưng không làm thay đổi xuất xứ nguyên liệu. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để kiểm soát dòng chảy hàng hóa, tránh việc "mượn danh" xuất xứ để hưởng ưu đãi.

TCNXX sẽ được cấp trước hoặc tại thời điểm xuất khẩu, do các cơ quan có thẩm quyền được Bộ Công Thương ủy quyền cấp, như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Hiện VCCI đang triển khai việc cấp TCNXX cho hàng hóa xuất khẩu sang EU, Anh (theo EVFTA, UKVFTA) và trong khuôn khổ GSP. Ngoài ra, VCCI cũng hướng dẫn doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ đối với thị trường Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất kéo dài hiệu lực của giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) từ 1 năm lên 5 năm đối với một số trường hợp cụ thể, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết.

Để siết chặt quản lý, dự thảo nghị định quy định rõ các hành vi gian lận xuất xứ như giả mạo C/O, khai báo không trung thực, sử dụng nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí xuất xứ… Đồng thời đề xuất các biện pháp xử lý nghiêm khắc: từ thu hồi C/O, xử phạt hành chính đến chuyển hồ sơ sang điều tra hình sự đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Tin cùng chuyên mục