Tứ ân hiếu nghĩa là gì?

Hỏi:

Hỏi: Ai là người đã sáng lập ra đạo Tứ ân hiếu nghĩa? Tứ ân hiếu nghĩa là gì?
Phạm Thị Bình (Tây Ninh)

1- Người lập ra đạo Tứ ân hiếu nghĩa tên là Ngô Lợi (lúc nhỏ tên là Ngô Viện). Ông sinh năm 1832 tại Trà Tân, Cai Lậy (Tiền Giang). Cũng có tài liệu cho rằng quê hương của ông là Châu Đốc (An Giang) hoặc Mỏ Cày (Bến Tre).

Năm 20 tuổi, ông viết cuốn sách nhan đề Bàlani kinh. Năm 1870, ông quy y, lập giáo phái Tứ ân hiếu nghĩa, lấy danh xưng Bổn sư, đi giảng đạo khắp nơi và thu nạp tín đồ. Đây là chi phái tôn giáo ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo.

Lúc này, các tỉnh miền Tây Nam kỳ bị thực dân Pháp xâm chiếm. Ông kết hợp việc tín ngưỡng với việc cứu nước, tổ chức cho tín đồ khai hoang để xây dựng cơ sở vật chất cho đạo và giáo dục ý thức về các bổn phận của người dân đối với gia đình, xã hội, đất nước.

Ông đã lập được 4 làng sau đây:
- Làng An Định (1876)
- Làng An Hòa (1882)
- Làng An Thành (1883)
- Làng An Lập (1887)

Thực dân Pháp thấy được mối nguy hiểm của tôn giáo này nên đã hai lần tấn công vào thánh địa, khiến ông và 1.800 tín đồ chạy sang Campuchia lánh nạn. Có lúc Pháp treo giải thưởng 1.000 quan cho những ai bắt được ông nhưng chúng đã thất bại.

Thấy việc dùng vũ lực không có kết quả, thực dân Pháp nới lỏng sự truy bức nhưng theo dõi, kiểm soát gắt gao.
Ông qua đời năm 1890, thọ 58 tuổi.

2- Tứ ân hiếu nghĩa là 4 cái ơn gồm:

- Ơn cha mẹ: Hệ phái này đã kế thừa và phát huy truyền thống hiếu nghĩa biết ơn đấng sinh thành, dưỡng dục tốt đẹp của dân tộc.

- Ơn đất nước: Ai cũng có một quê hương để sinh ra và lớn lên. Hệ phái này nhắc nhở truyền thống yêu nước tốt đẹp của dân tộc, khơi gợi lòng yêu quê hương đất nước và ý thức về nghĩa vụ của mình trước cảnh mất nước.

- Ơn Tam bảo: Theo Phật giáo, Tam bảo là ba đối tượng quý báu mà tín đồ phải tôn thờ. Đó là Phật – Pháp – Tăng. Còn theo Đạo giáo, Tam bảo là ba bổn phận phải luyện tập là tinh – khí – thần. 

- Ơn đồng bào, nhân loại.
Tóm lại, ở một giai đoạn lịch sử đen tối, hệ phái Tứ ân hiếu nghĩa đã biết kết hợp một cách nhuần nhuyễn nghĩa vụ công dân với nghĩa vụ tín đồ, trong đó nghĩa vụ công dân lớn hơn nghĩa vụ tín đồ. Đó là tư tưởng tiến bộ, tích cực.

PGS-TS Lê Trung Hoa

Tin cùng chuyên mục