Hỏi: Xin giải nghĩa từ chưng trong câu ca dao:
Vì chưng mang chút nhị vàng
Cho nên cúc phải muộn màng sang thu.
Lê Nguyễn Nguyệt Anh (Khoa xã hội học, ĐHKH&NV TPHCM)
Chưng là một từ cổ, có 6 nghĩa:
1. (Âm cổ của từ Hán Việt chi). Từ biểu thị nơi, chốn tồn tại hay diễn ra sự vật, sự việc được nói đến; ở, tại: Ở chưng trần thế mấy phen cười (Quốc âm thi tập, bài 138). Mẹ nam con bắc cầu sinh, Tôi bỗng một mình lạc đến chưng đây (Thiên Nam ngữ lục, câu 3931 - 3932).
2. Từ biểu thị phạm vi thời gian diễn ra sự việc được nói đến; đương, trong: Liễu doanh chưng thuở dãi trăng thu (Hồng Đức quốc âm thi tập, phong cảnh, bài 22). Chưng khi (Đại Nam quốc âm tự vị): trong khi.
3. (Thường kết hợp với các từ vì, nhân, bởi). Từ biểu thị nguyên nhân: Sang cùng khó bởi chưng trời (Quốc âm thi tập, bài 10). Nhân chưng giận chuột phải nuôi mầy (Quốc âm thi tập, bài 251).
Câu bạn hỏi ở trên có từ chưng mang nghĩa này.
4. (Ở vị trí sau tính từ và trước danh từ). Từ biểu thị ý so sánh; hơn: Nghĩa ấy bền chưng đá vàng (Quốc âm thi tập, bài 93). No chưng ngươi Viên Tinh, thông chưng ngươi Phụng Thiến [dịch câu Bão ư Viên Tinh đạt ư Phụng Thiến] (Truyền kỳ mạn lục, chuyện đối đáp của tiều phu núi Nưa).
5. Từ biểu thị điều sắp nêu ra là đối tượng nhằm đến; cho, với: Bằng tôi nào thuở ích chưng dân (Quốc âm thi tập, bài 37). Nhiều cùng gấm mặc chưng đời (Quốc âm thi tập, bài 104).
6. (Dùng trước đại từ). Từ biểu thị điều sắp nêu ra là đối tượng có quan hệ trực tiếp với điều được nói đến; đối với: Sự thế chưng ta dầu đạm bạc (Quốc âm thi tập, bài 122). Phận ấy chưng ta đã có thừa (Quốc âm thi tập, bài 90). (Dựa theo Vương Lộc, Từ điển từ cổ, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2001).
PGS.TS.Lê Trung Hoa