Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa - Giải pháp khơi thông xuất khẩu

Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa - Giải pháp khơi thông xuất khẩu

Bộ Công thương cho biết, hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam có nhu cầu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (TCN XXHH) xuất khẩu. Chủ trương của Bộ Công thương cũng hướng đến việc chuyển chứng nhận xuất xứ hàng hóa về cho các DN. Tuy nhiên, DN nào đạt tiêu chí có thể cho phép TCN XXHH cần phải xem xét kỹ để tránh những rủi ro cho hoạt động kinh doanh của toàn ngành.

Liên quan đến việc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là DN đầu tiên được Bộ Công thương cho phép TCN XXHH trong thị trường ASEAN với mã số tự chứng nhận 0001/TCNXXHH. Chứng nhận này cũng đồng nghĩa với việc Vinamilk được quyền tự cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of Origin) cho các sản phẩm như sữa bột, sữa nước, sữa chua ăn, sữa đặc, nước giải khát, kem… khi xuất khẩu vào thị trường các nước Lào, Indonesia, Philippines, Thái Lan. Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, TCN XXHH là việc DN tự khai báo xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu trên hóa đơn thương mại thay cho C/O mẫu D.

Sau chuyến xuất hàng đầu tiên đến Iraq, đến nay sản phẩm của Vinamilk đã xuất khẩu đi 43 nước trên thế giới

Việc thực hiện chính sách này nhằm giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, đồng thời thực hiện cam kết trong ASEAN. Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu cho phép TCN XXHH, DN phải đạt các tiêu chí do bộ đưa ra. Cụ thể như nhà sản xuất đồng thời là người xuất khẩu hàng hóa do chính thương nhân sản xuất; không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký; kim ngạch xuất khẩu đi các nước ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu USD; có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo được Bộ Công thương chỉ định cấp. Hiện doanh thu xuất khẩu của Vinamilk 10 tháng đầu năm 2016 đạt 208 triệu USD. Vinamilk đã và đang xuất khẩu đến 43 quốc gia trên khắp 5 khu vực châu lục, và khu vực châu Á hiện tại là thị trường tập trung mạnh của Vinamilk.

Các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký với nhiều nước trên thế giới sẽ mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế suất khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước. Ngược lại, sản phẩm của DN Việt phải thỏa mãn quy tắc về xuất xứ hàng hóa do nước nhập khẩu hoặc các nước thành viên hiệp định đã thống nhất. Biện pháp cho phép DN TCN XXHH là giải pháp hiệu quả để tạo thông thoáng trong hành lang pháp lý, đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu hàng hoá cho DN, giúp DN giảm chi phí giao dịch thương mại, tận dụng tối đa các ưu đãi trong hiệp định thương mại. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng khẳng định, chưa thể cấp phép đại trà dù hiện tại bộ đang tiếp nhận rất nhiều đơn đề nghị của các DN.

Việc cân nhắc kỹ DN nào đạt yêu cầu sẽ giúp tránh được những rủi ro như cấp phép cho những đơn vị không đáp ứng các tiêu chí trên hoặc lợi dụng chính sách trên để vụ lợi cho riêng DN. Bởi trong trường hợp DN TCN XXHH nhưng bị cơ quan chức năng các nước nhập khẩu phát hiện DN có hành vi gian lận thương mại, kê khai quy tắc xuất xứ không đúng thực tế thì không chỉ DN đó bị áp mức thuế phạt cao mà các DN sản xuất cùng lĩnh vực và có cùng thị trường xuất khẩu cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng liên đới. Do đó, trong thời gian tới, cùng với việc xem xét và cấp phép cho những DN đáp ứng tiêu chí TCN XXHH, bộ sẽ tổ chức tập huấn cho DN để nắm rõ quy định xuất xứ hàng hóa; phối hợp với cơ quan hải quan lựa chọn những DN có đủ năng lực để thực hiện cấp phép TCN XXHH. Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ thực hiện quy chế kiểm tra rất nghiêm ngặt, kết hợp chế tài mạnh tay với những DN có hành vi gian lận thương mại. Có như vậy mới đảm bảo công bằng và giảm thiểu tối đa những tổn thất kinh tế nếu có do hành vi gian lận thương mại của các DN xuất nhập khẩu gây ra.

KHÁNH CHI

Tin cùng chuyên mục