Từ chuyện củ khoai lang

Từ 3 năm nay, một người bạn của tôi ở Đức thường nhận đặt mua và giao khoai lang Italy quanh vùng Munich. Tuần rồi, bạn chuyển mấy kilogam khoai qua đường bưu điện tới Bremen cho tôi. Khoai Italy có giá 3 EUR/kg đúng vụ thơm, dẻo, ngọt như khoai lang quê mình.

Giá trị khoai lang, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành hiện nay, càng được nâng cao. Ở châu Âu, siêu thị chủ yếu bày bán khoai lang nhập của Nam Mỹ, giá 3 - 3,99 EUR/kg, ăn sượng chứ không dẻo hoặc bở, ngọt thơm như khoai lang Việt Nam. Bởi thế, có người đồng hương Việt Nam tìm được nguồn mua khoai Italy và giao theo từng kiste (thùng 12kg), người Việt xa xứ đặt mua tới tấp.

Không hiểu chất đất ở Italy, rồi mưa nắng khí trời thế nào mà khoai lang ngon như vậy? Nguyễn Thu, người bạn ở Italy, cho biết: “Đúng là khoai lang xứ này, người bản xứ gọi là Patate Dolce, ăn rất ngon. Còn có tên gọi nữa là Patate America vì họ cho rằng giống khoai lang này nhập từ châu Mỹ, nơi có khí hậu nóng ấm. Khoai lang đem về trồng đầu tiên ở Padova, gần Venice, rồi cả ở vùng Puglia phía Nam Italy. Khí hậu những vùng này ấm áp, thổ nhưỡng tốt, khoai dẻo thơm ngon ngọt hơn hẳn. Mùa hè ở đây rất nóng nên khoai lang đúng vụ rất ngọt, giá chỉ khoảng 1 - 2,5 EUR/kg. Mẹ chồng mình người Italy, cũng thích ăn khoai lang”. 

Nhưng bạn tôi ở Munich kể, chỉ khi nào đúng vụ, trong khoảng tháng 8, tháng 9, khoai Italy trồng đúng trên đất nước hình chiếc ủng mới cho chất lượng bở hoặc dẻo. “Kinh nghiệm qua 3 năm bán khoai, gia đình mình biết rằng khoai lang chỉ ngon, không xơ trong một vài tuần đầu của vụ; cuối vụ khoai không còn chất lượng như trước nữa. Vào đầu tháng 10 vẫn có người đặt nhưng mình không nhận thêm đơn nữa để đảm bảo uy tín”.

Người Việt mình hay nói mùa nào thức nấy. Cũng như người châu Âu đã và đang đẩy mạnh nhận thức “tiêu thụ rau quả tốt cho sức khỏe và bền vững cho môi trường”. Trồng trọt theo mùa là thuận thời tiết, thuận thiên nhiên. Chọn rau củ quả đúng mùa hấp thu nhiều dinh dưỡng, giá rẻ, đồng thời hỗ trợ ngành trồng trọt địa phương, giảm thiểu các chi phí về bảo quản, vận chuyển.

Từ tiểu học, trẻ em ở nhiều nước châu Âu đã được dạy về cách xem điểm môi trường A, B, C, D dán trên bao bì các loại rau củ quả. Rau củ trái mùa bây giờ lúc nào cũng có sẵn, nhưng phải sử dụng bón thúc, thu hái sớm để đảm bảo mẫu mã đẹp và không hư hại khi vận chuyển khiến giá trị dinh dưỡng sụt giảm. Những đứa trẻ 9 - 10 tuổi vào siêu thị có thể đọc được nhãn A, B là sản phẩm thân thiện môi trường, tập thói quen ăn măng tây vào mùa xuân, ăn dâu mùa hè, bắp cải mùa đông.

Vào mùa đông ở châu Âu có thể ăn kiwi nhập của Chile, New Zealand nhưng mùa hè nên ưu tiên kiwi Italy, Pháp, Hy Lạp, ngon chẳng kém lại không phải vận chuyển xa, bớt thải khí CO2 vào môi trường. Vào hè nên ăn khoai lang Italy, hết vụ mới chuyển sang mua khoai lang Chile.

Tiện dụng hơn, người ta còn thiết kế ứng dụng app trên điện thoại di động cho các bà nội trợ dễ dàng cập nhật được rau củ quả nào đang đúng mùa. Cũng là chuyện ngày thường bên mâm cơm của người châu Âu khi đứa con nhìn miếng beefsteak dọn ra bàn, nhắc nhở: “Hôm nay ở lớp con học rằng để có được 1kg thịt bò phải tốn 10kg ngũ cốc. Bố mẹ tưởng tượng xem 10kg ngũ cốc ấy có thể làm ra bao nhiêu bánh mì nuôi sống bao người?”.

Tin cùng chuyên mục