Từ ga Hàng Cỏ đến ga Hà Nội trên cao

Ký ức Hà Nội
Từ ga Hàng Cỏ đến ga Hà Nội trên cao

Ký ức Hà Nội

Ai đã từng đến Hà Nội bằng đường xe lửa hẳn không thể quên cảm giác xốn xang khi con tàu mang đầy bụi bặm và hơi hướng làng mạc, tỉnh lẻ sau một hành trình dài hú lên từng hồi còi rồi háo hức băng vào lòng thành phố. Ngay sau đó, ga Hàng Cỏ hiện ra trước mắt, cũ kỹ, lam lũ, ngày cũng như đêm đều vô cùng náo nhiệt.

Dưới mắt nhiều du khách, trong khi Hà Nội thay da đổi thịt từng ngày thì ga Hà Nội dường như là nơi ít thay đổi nhất. Cho đến tận bây giờ, nó vẫn không có gì khác so với cách đây vài chục năm với phong cách kiến trúc từ thế kỷ trước. Điều lạ là ở đâu đó trong những câu chuyện thường ngày của người Hà Nội, cái tên ga Hàng Cỏ vẫn được nhắc đến một cách rất tự nhiên và gần gũi, một cái tên đầy chất “36 phố phường”.

Một phương án ga Hà Nội trên cao.

Một phương án ga Hà Nội trên cao.

Trong lịch sử Hà Nội, trước năm 1900, mảnh đất này vốn là chợ bán cỏ cho ngựa thuộc thôn Tiên Mỹ, huyện Thọ Xương và người Pháp đã chọn để xây dựng nhà ga xe lửa trung tâm phục vụ cho mục đích bóc lột thuộc địa. Năm 1902, ga Hàng Cỏ ra đời gần như đồng thời với việc xây dựng hệ thống đường sắt Việt Nam và cây cầu nổi tiếng Long Biên. Người Pháp không ngờ rằng sau này, nhà ga Hà Nội và hệ thống đường sắt Việt Nam đã đóng góp tích cực vào công cuộc đánh Pháp và sau đó là đánh Mỹ.

Suốt 100 năm qua, có lẽ ga Hàng Cỏ là nơi chứng kiến nhiều nước mắt nhất của người Hà Nội bởi mấy chục năm bom đạn, sự chia ly một thời đã là chuyện thường ngày của cả dân tộc. Trong ký ức của nhiều người, kỷ niệm đáng nhớ nhất của nơi này chính là những đoàn tàu chở hàng ngàn thanh niên Hà Nội rời ghế nhà trường, rời thủ đô hoa lệ để vào Nam chiến đấu. Bao người trong số họ đã vĩnh viễn ra đi, vĩnh viễn mang theo hình ảnh về sân ga Hà Nội của những ngày lịch sử hào hùng, bi tráng đó…

Vươn tới hội nhập

Ga Hà Nội - từng là ga xe lửa lớn nhất khu vực Đông Dương - giờ đã trở nên quá nhỏ bé so với nhu cầu phát triển của Hà Nội, nhất là khi thủ đô được mở rộng. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng, ga Hà Nội cần phải có một vị thế, quy mô xứng tầm với quy hoạch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Vì vậy, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên, với hạng mục quan trọng là ga Hà Nội, đã được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và TP Hà Nội xác định là dự án ưu tiên đặc biệt.

Theo quy hoạch chi tiết do Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Xây dựng thực hiện và đã được phê duyệt, ga Hà Nội mới sẽ là một nhà ga trên cao, được xây lùi về phía Nam khoảng 200m và dịch về phía Tây 40m. Với thiết kế hiện đại, ga Hà Nội mới sẽ là điểm kết nối quan trọng nhất của hệ thống đường sắt quốc gia với hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, kết nối đường sắt đô thị với các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng khác. Đặc biệt, nhà ga mới này cũng được xây dựng đảm bảo có thể thích ứng được cả nhu cầu trong tương lai nếu đường sắt cao tốc Bắc Nam xây dựng.

Ông Nguyễn Đình Rậu, Trưởng ga Hà Nội cho biết: “Theo xu hướng hội nhập quốc tế, nhà ga mới không chỉ là nơi đón tiễn, trung chuyển hành khách mà sẽ là trung tâm dịch vụ đa chức năng, đồng thời giữ sứ mệnh là một công trình văn hóa quan trọng giống như nhiều nhà ga của các thành phố lớn trên thế giới”. Hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các bên liên quan đang hoàn chỉnh phương án kiến trúc cho nhà ga Hà Nội mới để đảm bảo hài hòa với kiến trúc tổng thể của khu vực và kết nối thuận tiện với hạ tầng giao thông chung của thành phố.

Trong khi đó, nhà ga hiện tại vẫn sẽ được giữ lại để chia sẻ một phần hành khách với nhà ga mới. Đặc biệt, nhà ga cũ sẽ được trùng tu và bảo tồn như một trong những điểm nhấn kiến trúc mang dấu ấn lịch sử của Hà Nội, bên cạnh hàng loạt công trình khác như cầu Long Biên, Nhà hát lớn… Từ nơi này, những tiếng còi tàu đêm đêm sẽ vẫn làm bâng khuâng ai đó khi lòng đang ấp ủ những chuyến đi xa…

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong năm 2013, tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên sẽ được khởi công, trong đó hạng mục quan trọng nhất là nhà ga Hà Nội.

Bích Quyên

Tin cùng chuyên mục