- Phải kiểm soát giá thuốc
Đọc loạt bài “Nghịch lý giá thuốc” đăng trên Báo SGGP từ ngày 17 đến 20-4, chúng tôi thật bức xúc trước thực tế phần đông các nhà thuốc ở bệnh viện đều bán giá cao hơn bên ngoài. Đúng như Báo SGGP đã đề cập: “Phải chăng việc đấu thầu giá thuốc tại các bệnh viện đang có vấn đề?”.
Do họ tin tưởng nơi đây bán đúng giá, thuốc thật nên bệnh nhân, người nhà của họ vẫn thường chọn mua thuốc trong các nhà thuốc của bệnh viện. Một số khác tuy đem toa ra ngoài mua nhưng không mua được vì chỉ có bệnh viện mới bán loại thuốc đặc trị theo danh mục. Đó là chưa kể có những loại thuốc do bác sĩ kê toa có “hoa hồng” cũng chỉ bán trong bệnh viện (!?).
Chính vì thế, để kiểm soát giá thuốc cao ngất ngưởng như hiện nay, Bộ Y tế nên công bố danh mục thuốc kèm giá cả từng loại thuốc để người dân tham khảo, chọn lựa mua đúng giá. Cũng cần xem xét việc đưa mặt hàng đặc biệt này vào diện bình ổn giá của nhà nước để giúp người dân chăm lo bảo vệ sức khỏe của mình. Bởi lẽ khi bị bệnh thì nỗi sợ “không chết vì bệnh mà chết vì lo tiền chữa trị” sẽ đè nặng tâm lý của người nghèo, không có điều kiện về kinh tế.
TRẦN KHA
- Không thể dùng biện pháp hành chính
Việc giá thuốc bị thổi lên quá cao và không thể kiểm soát nổi đã được báo chí, dư luận đề cập từ nhiều năm trước. Thế nhưng, đến nay giá thuốc tăng không thấy điểm dừng, sức khỏe của người dân như bị thả nổi theo. Mặt hàng thuốc là hàng hóa đặc biệt nên Bộ Y tế phải có biện pháp quản lý hiệu quả chứ không thể đổ lỗi cho cơ chế thị trường và sự chi phối của nó trước thực tế thị trường dược phẩm hiện nay phát triển đa dạng với trên 22.000 mặt hàng thuốc đang lưu hành ở VN.
Theo tôi, nếu chỉ dùng biện pháp hành chính cứng nhắc, kêu gọi các bệnh viện, đội ngũ bác sĩ có y đức, quy định chặt chẽ việc kê toa… thì không thể bình ổn được giá thuốc. Ngay cả việc chỉ đạo ngành y tế địa phương phối hợp với thanh tra, các cơ quan chức năng liên quan thanh - kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn dược và quản lý giá thuốc đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trên địa bàn cũng là giải pháp làm cho có.
Chính vì thế, dù đã có quy định nhưng vi phạm vẫn tràn lan, trong khi rất ít cơ sở, đơn vị vi phạm bị thổi còi, xử phạt. Chính nguồn lợi nhuận từ kinh doanh thuốc quá lớn khiến các bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc “mờ mắt” và bất chấp tất cả các quy định, liên kết với nhau để móc hầu bao của người bệnh một cách vô lương tâm.
VÂN HỒNG
Nghịch lý giá thuốc |