Tự lực cánh sinh

Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố “Lịch trình thay đổi”, gồm những điểm mới trong chính sách ưu tiên viện trợ của Liên minh châu Âu (EU). Tuy những thay đổi được đảm bảo để diễn ra trên mọi lĩnh vực: an sinh xã hội, y tế, giáo dục, bình đẳng giới, năng lượng sạch… nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn được coi là chìa khóa để giảm đói nghèo ở các nước kém phát triển.

Chính sách mới được nhiều người hoan nghênh nhưng cũng khiến các tổ chức phi chính phủ (NGO) lo ngại rằng các nước đang phát triển, đặc biệt là những quốc gia có thu nhập trung bình sẽ mất nguồn viện trợ cần thiết từ EC.

EU hiện là nhà đóng góp lớn nhất cho các chương trình phát triển chính thức với ngân sách hàng năm gần 73,8 tỷ USD. Riêng trong năm 2010, EC và các nước thành viên đã cung cấp quá nửa ngân sách viện trợ toàn cầu. Về cơ bản, chính sách của EC muốn nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế nhiều hơn nữa chính là phương tiện để xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đó không phải là điều kiện duy nhất dù nó rất cần thiết. Ví dụ như Nigeria là nước có tốc độ phát triển kinh tế mà cả châu Âu phải mơ ước. Nhưng đây cũng là một trong số những nước có số người nghèo đông nhất vì bất bình đẳng. Rõ ràng, lớp người nghèo nhất đã không được lợi gì từ tăng trưởng kinh tế.

Trong danh sách các nước có thu nhập trung bình có cả những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc… nhưng cũng có cả các nước như Zambia, Congo, Senegal… Chính vì lẽ đó, việc các nước có thu nhập trung bình (theo chỉ số phát triển của Ngân hàng Thế giới) cũng bị xem xét cắt viện trợ là điều đáng lo ngại vì 75% những người nghèo nhất thế giới lại sống ở các nước này và đang rất cần viện trợ để phát triển. Như Zambia gần đây mới “được” xếp vào nước có thu nhập trung bình, nhưng lại có 2/3 dân số sống dưới mức 2 USD/ ngày.

Khoảng cách giàu nghèo ở những quốc gia như vậy là một lỗ hổng khổng lồ. Trong khi viện trợ là nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo, giúp quốc gia phát triển. Mà các quốc gia có thu nhập trung bình thường có cơ cấu chính phủ khá ổn định để trở thành nơi nhận viện trợ hiệu quả. Nên NGO hy vọng EC sẽ không đóng mọi cánh cửa viện trợ cho những nước này.

Để tăng tính hiệu quả của viện trợ, EC đã tổ chức nhiều vòng tham vấn với các đối tác toàn cầu, các chính phủ cùng nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng như các NGO để soạn nên “Nghị trình thay đổi” trên. Công việc của EC hay bất kỳ một tổ chức cứu trợ nào không chỉ đơn giản là cung cấp viện trợ nữa, mà sẽ tạo điều kiện giúp các nước nghèo có cơ hội đi lên.

Ngược lại, để đạt được những điều này, chính các quốc gia nhận viện trợ cũng phải “tự lực cánh sinh” vì không ai hiểu rõ các vấn đề kinh tế - xã hội hơn bản thân chính phủ của mỗi nước. Nếu biết cùng thay đổi và kết hợp, các quốc gia đang phát triển sẽ có bước tiến lớn trong xóa đói giảm nghèo bằng cách tạo ra công ăn việc làm và thu hút đầu tư nước ngoài, tiến tới phát triển bền vững thông qua việc tôn trọng môi trường đầu tư và cân bằng xã hội. 

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục