Từ sự tái ngộ của “Bí mật vườn Lệ Chi”

Từ sự tái ngộ của “Bí mật vườn Lệ Chi”

Sân khấu TPHCM vốn đã nhộn nhịp, nhưng mấy ngày gần đây, lại càng sôi động hơn khi vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” tái ngộ. Dù là vở chính kịch, với đề tài lịch sử, thường được cho là khó hấp dẫn khán giả. Vậy mà…

  • Vở diễn tạo được sự kiện sân khấu

Từ sự tái ngộ của “Bí mật vườn Lệ Chi” ảnh 1

Nghệ sĩ Hữu Châu xuất sắc với vai Nguyễn Trãi trong vở “Bí mật vườn Lệ Chi”.

Sau 5 năm tạm ngưng, “Bí mật vườn Lệ Chi” (tác giả Hoàng Hữu Đản, đạo diễn – NSƯT Thành Lộc) tái ngộ khá hấp dẫn khán giả, tạo nên sự kiện sân khấu kịch năm 2007 (đến thời điểm này).

Vở diễn xoay quanh những nhân vật lịch sử của triều đình nhà Lê cách nay gần 600 năm: Hoàng đế Lê Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, Tuyên từ Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh… qua tài thể hiện của các nghệ sĩ: Tuấn Khôi, Hữu Châu, Hồng Ánh, Thanh Thủy…

Có thể nói, lần ra mắt này, đạo diễn – NSƯT Thành Lộc đã có những chỉnh lý lại bản dựng của mình cách nay 5 năm khá chỉnh chu, vở diễn cuốn hút người xem từ đầu đến cuối. Một Nguyễn Trãi oai phong, tài giỏi, thơ, nhạc xuất chúng được nghệ sĩ Hữu Châu thể hiện tài tình sống động trong từng nét diễn. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ Thanh Thủy, Hồng Ánh, Tuấn Khôi, Hoàng Trinh, Mỹ Duyên… cũng thể hiện tròn vai của mình, nhất là NS Thanh Thủy có cảnh độc thoại rất đắt, mang đến cho người xem những giây phút thật tuyệt vời.

NSƯT Thành Lộc vừa trong vai trò đạo diễn của vở vừa sắm vai Thái giám Tạ Thanh – kẻ cầm đầu bọn quan lại ác độc, làm lũng đoạn triều đình đã cho thấy anh thực sự là “phù thủy của sàn diễn”.

Chính sự lao động nghệ thuật rất tâm huyết của êkíp thực hiện “Bí mật vườn Lệ Chi”, mà khi vở diễn trở lại, liên tục tạo nên những đêm “sốt vé” ở sân khấu IDECAF. Vở còn tạo ra một hiệu ứng rất tốt cho người xem, nói như bác Nguyễn Văn Nhị – cán bộ hưu trí, nhà ở quận Bình Thạnh, sau khi xem “Bí mật vườn Lệ Chi” vào tối 17-5: “Các nghệ sĩ tái hiện lịch sử hay quá, nhất là nghệ sĩ Hữu Châu thể hiện vai Nguyễn Trãi thật xuất sắc. Vở cũng là bài học lịch sử giá trị, đó là việc chống tham nhũng và cách dùng người, chọn nhân tài cho đất nước…”.

  • Vì sao cách đây 5 năm vở phải tạm ngưng diễn?

Khi xem “Bí mật vườn Lệ Chi” tuyệt vời đến thế, lúc ra về, không ít khán giả thắc mắc: “Vở diễn hay, sao lại phải tạm ngưng diễn 5 năm, nay mới diễn lại?”; có người lại nói: “Chỉ vì có “lệnh miệng” mà vở diễn này phải ngưng… 5 năm!”… Theo tìm hiểu của chúng tôi, vở diễn phải tạm ngưng 5 năm vì bản dựng ngày ấy còn có những ý kiến trái ngược nhau, nhất là chi tiết Hoàng đế Lê Nhân Tông không phải là con của Hoàng đế Lê Thái Tông là không đúng với chính sử…

Chính vì thế, ngày 12-9-2000, đồng chí Trang Phượng, Phó Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy TPHCM có công văn số 950 – CV/TTVH gởi Sở VHTT TPHCM đề nghị chỉ đạo cho Hội đồng thẩm định nghiên cứu thêm để làm sáng tỏ… tránh nhận thức không đúng với lịch sử nước nhà.

Trường hợp chưa sửa chữa hợp lý nên phải tạm ngưng công diễn… Tuy nhiên, vở kịch vẫn tiếp tục diễn được 70 suất và đến khi HTV chuẩn bị trực tiếp truyền hình phục vụ rộng rãi khán giả màn ảnh nhỏ, đồng chí Trang Phượng có tiếp công văn số 480/CV – TTVH gởi Đài Truyền hình đề nghị không truyền hình trực tiếp…

Sau đó không lâu, Sở VHTT TPHCM đã tổ chức lấy ý kiến của các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà sử học về vở diễn này và hầu hết đều cho rằng trong “Bí mật vườn Lệ Chi” có những điều chưa thật chính xác với sử sách Việt Nam. Giá như, khi vở diễn có những tranh luận như thế, cấp quản lý có những công văn gởi sân khấu IDECAF để kịp thời có thể chỉnh lý sớm hơn thì chắc chắn vở diễn “Bí mật vườn Lệ Chi” không bị gián đoạn lâu đến thế! 

ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục