Từ thua tới.... thua

Việt Nam được đánh giá đất nước có tiềm năng du lịch lớn, có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, hang động, có bờ biển dài và đẹp. Thế nhưng công tác tổ chức, kết nối, dịch vụ du lịch thì thua xa các nước trong khu vực.

Việt Nam được đánh giá đất nước có tiềm năng du lịch lớn, có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, hang động, có bờ biển dài và đẹp. Thế nhưng công tác tổ chức, kết nối, dịch vụ du lịch thì thua xa các nước trong khu vực.

Chỉ so sánh trong khu vực Asean, trong khi Singapore nổi tiếng là văn minh, sạch đẹp thì nhiều công trình công cộng, khu vui chơi của Việt Nam đầy rác. Ở Thái Lan, các điểm du lịch thống nhất nhau về giá cả, tác phong phục vụ thì ở Việt Nam nạn chèo kéo xảy ra thường xuyên. Du khách đến bất kỳ điểm du lịch nào ở Thái Lan cũng được chụp hình, sau khi tham quan ra, hình ảnh được rửa treo trước cửa lên xe, khách nào muốn lấy thì thanh toán tiền, khách nào không lấy cũng không có cảnh nài ép, chèo kéo. Giá cả được thống nhất một mức bằng nhau. Trong khi đó, nhiều điểm du lịch của Việt Nam nếu mua trái dừa hỏi giá trước thì 20.000 - 40.000 đồng, nhưng nếu uống rồi mới thanh toán tiền thì bị “chặt” 80.000 - 100.000 đồng. Đó là chưa kể, hỏi mà mua thì tươi cười, nếu hỏi mà không mua là sẽ bị xéo xắc. Điều đó không chỉ gây ấn tượng xấu trong du khách nước ngoài mà ngay du khách trong nước cũng e ngại.

Công tác tổ chức, kết nối du lịch chưa được bài bản. Du lịch tự phát khắp nơi. Thậm chí, tại nhiều đình, chùa trên cả nước, cứ đến mùa du lịch lễ hội là xảy ra chen lấn, giật giọc, buôn bán chụp giựt. Trong khi đó, ở một tỉnh nông nghiệp như Khao Yai của Thái Lan, tổ chức một chợ đêm với vài chục gian hàng nhưng được thống nhất từ kiểu cách gian hàng, điện nước được câu theo hệ thống, có ban quản lý, có ban nhạc phục vụ miễn phí ngoài trời và luôn có nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ. Trong khi đó, chúng ta luôn thua, mà thua từ… cái nhà vệ sinh. Ở những khu vui chơi, quán ăn, nhà vệ sinh là yêu cầu thiết yếu và quan trọng, nếu không sạch sẽ thì khách vào nhà vệ sinh bước ra sẽ không ăn nổi! Vậy mà, rất nhiều điểm du lịch của Việt Nam chỉ chăm chăm thu vé vào cửa mà quên mất dịch vụ thiết yếu này. Hầu hết nhà vệ sinh ở các điểm dừng chân nhếch nhác, hôi thối. Ngay cả điểm du lịch nổi tiếng như Núi Bà Tây Ninh thu vé nhiều lượt, từ vé vào cổng, đến vé xe điện nội bộ rồi vé cáp treo, nhưng vừa bước xuống cáp treo đã nghe hôi mùi từ nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh không sạch, nhưng khách sử dụng cũng phải trả tiền.

Ở các tỉnh miền Bắc, thậm chí nhiều khu vui chơi không có nhà vệ sinh. Điển hình như ở Cửa Lò, sau khi khách ăn uống no say hỏi nhà vệ sinh thì chủ quán nói chỉ có chỗ đi “nhẹ” (đi tiểu), chứ đi “nặng” (đi tiêu) thì không được, vì lý do nhà vệ sinh công cộng đóng cửa chủ nhật! Ngay thành phố Vinh có chợ đêm được tổ chức đông đúc, quán nhậu bán đến tận khuya, nhưng không có nhà vệ sinh công cộng nào. Chưa nói đến hoạt động phục vụ du khách, chỉ nói riêng công tác vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường thôi thì đã quá nhiều tồn tại cần được xử lý.

Ngành du lịch vốn là ngành dịch vụ, do vậy thước đo của sự thành công là sự hài lòng của du khách. Tại sao các cơ quan quản lý nhà nước cứ bỏ tiền ra để tổ chức hội chợ, hội nghị xúc tiến du lịch mà lại không hành động thiết thực là đầu tư xây nhiều nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ du khách? Các nhà kinh doanh thay vì chi tiền hoa hồng thật cao cho “cò” dẫn mối thì hãy bán đúng giá, nâng chất lượng phục vụ để tiếng lành đồn xa, phát triển bền vững.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục