Từ tin đồn thất thiệt “gạo ở miền Tây hết”, tối qua, người dân đổ xô đi mua gạo

* UBNDTP chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, mua gom gạo* Giá gạo đặc sản tăng từ 6.000 - 8.000 đồng/kg
Từ tin đồn thất thiệt “gạo ở miền Tây hết”, tối qua, người dân đổ xô đi mua gạo

* UBNDTP chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, mua gom gạo
* Giá gạo đặc sản tăng từ 6.000 - 8.000 đồng/kg

Gạo thế giới liên tục tăng giá là chuyện không mới. Nhưng thời gian gần đây trước các thông tin cho rằng an ninh lương thực toàn cầu đang ở mức báo động và đỉnh điểm là thông tin Việt Nam trúng thầu xuất gạo cho Philippines với giá cao ngất ngưởng thì người dân lo lắng. Chính vì vậy, khi có tin đồn thất thiệt rằng lượng gạo từ miền Tây về TPHCM giảm (!?), tối qua 26-4, mặc cơn mưa lất phất, người dân TPHCM vẫn đổ xô ra đường để tìm mua gạo.

Gạo đầy ắp kho, nhưng giá vẫn tăng (!?)

Từ tin đồn thất thiệt “gạo ở miền Tây hết”, tối qua, người dân đổ xô đi mua gạo ảnh 1

Hôm qua, nhiều người dân có nhu cầu mua gạo dùng để ăn hàng ngày đều “hốt hoảng” vì giá gạo đột ngột tăng thêm 5.000 đồng/kg so với bình thường. Chị Nguyễn Thị Ngọc Linh (ngụ ở đường Lê Văn Thọ, P11, Q.Gò Vấp, TPHCM) cho biết: “Cách đây 3 ngày, 1kg gạo Tài Nguyên chỉ có 9.000 đồng/kg, nhưng chiều nay (tức chiều 26-4) ra cửa hàng mua với giá 15.000 đồng/kg” (ảnh).

Chiều 26-4, theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tại các vựa gạo lớn ở khu vực xung quanh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Gò Vấp, Xóm Mới, Thạnh Thông Tây (quận Gò Vấp)…, lượng gạo ở đây vẫn đầy ắp trong kho nhưng tất cả các loại gạo từ tẻ thường cho đến gạo đặc sản, giá bán bỗng tăng vọt. Không chỉ đẩy giá lên cao, nhiều nơi còn cố tình không niêm yết giá bán như trước đây.

Từ tin đồn thất thiệt “gạo ở miền Tây hết”, tối qua, người dân đổ xô đi mua gạo ảnh 2

Nhiều người dân đổ xô đi mua gạo. (Ảnh chụp lúc 19 giờ 30 phút ngày 26-4 tại đại lý gạo số 27-29 Tô Hiến Thành. Ảnh: THÀNH TÂM

Trong vai một người muốn thu gom gạo với số lượng lớn, vào lúc 16 giờ 30, chúng tôi có mặt tại nhà máy xay xát gạo số 51/4C Thống Nhất, P11, Q.Gò Vấp, nhìn vào, không ai nghĩ gạo đang trong tình trạng khan hiếm, đắt đỏ, vì lượng gạo ở đây vẫn đầy ắp, nhưng hầu hết đều không niêm yết giá bán.

Lúc 18 giờ 40 phút, vựa gạo Thanh Phong (ở số 27-29 đường Tô Hiến Thành, Q10) tất bật người ra vào, người mua đứng chật cả bên một lề đường. Tối 26-4, tại một số vựa gạo ở khu vực P25, Q.Bình Thạnh, chúng tôi đã chứng kiến một cảnh tượng người dân xếp hàng rồng rắn mua gạo dù trời mưa khá nặng hạt. Có người chỉ định mua 5kg nhưng khi lượng người đến mua ngày càng đông họ đã quyết định mua lên 20 - 30kg! Theo đó, các loại gạo thường, giá cũng tăng bình quân từ 2.000 - 4.000 đồng/kg.

Như vậy, với mức tăng lần này, giá gạo đặc sản bán lẻ hiện đã đứng ở mức từ 16.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại, gạo thường từ 12.500 - 15.000 đồng/kg. Theo ghi nhận của chúng tôi, gạo tăng giá mạnh khiến nhiều người dân, đặc biệt là tầng lớp sinh viên và công nhân đã tỏ ra tần ngần trước các bảng niêm yết!

Siêu thị không tăng giá

Chúng tôi đến siêu thị Big C, cũng nằm trên đường Tô Hiến Thành cách đó không xa, rất đông người mua đổ xô đến quầy gạo. Khi thấy gạo trên quầy ít, nhiều người đã tranh nhau lấy hàng. Nhưng siêu thị đã bổ sung ngay nguồn hàng để bán.

Khác với giá tại thị trường tự do, giá gạo tại các siêu thị hầu như không tăng, cụ thể tại Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu: Gạo trắng hạt dài Vĩnh Long 44.000 đồng/bao 5kg; Tài Nguyên 61.500 bao/5kg, nàng thơm 64.600 đồng/kg, thơm Đài Loan 63.600 đồng/kg… vì thế khách hàng đến mua ồ ạt.

Tương tự tại siêu thị CitiMart trên đường Nguyễn Trãi, lượng khách hàng đến mua gạo cũng tăng đột biến. Theo anh Huỳnh Hữu Tuấn, phụ trách kinh doanh của hệ thống siêu thị này, lượng gạo bán ra tại đây trong ngày 26-4 tăng gấp 8 lần so với bình thường. Nếu như trước đây, mỗi khách hàng chỉ mua một bao 2kg hoặc 5 kg, trong hai ngày qua đa số khách hàng đều mua từ 5 - 10 bao một lần.


NHÓM PV KINH TẾ

Tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường gạo tại TPHCM

Ngày 26-4, Chánh Văn phòng UBND TPHCM đã có công văn số 2651/UBND-THKH gửi Giám đốc Sở Thương mại; Công an TP; Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường; Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP (Sài Gòn Co.op); Chủ tịch UBND 24 quận – huyện về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường gạo trên địa bàn TP.

Nội dung công văn nêu rõ: Theo báo cáo của Giám đốc Sở Thương mại, hiện nay trên địa bàn TP xuất hiện một số tư thương lợi dụng tình trạng giá gạo tăng cao tại một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đã tổ chức thu mua, tích trữ, đầu cơ nhằm trục lợi.

Trước tình hình đó, UBND TPHCM chỉ đạo: Giám đốc Sở Thương mại chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP phối hợp Công an TP, Chủ tịch UBND 24 quận, huyện và các đơn vị có liên quan tổ chức lực lượng, tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các chợ đầu mối của TP và các chợ, cửa hàng, siêu thị trên địa bàn quận - huyện, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm trên, xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật và báo cáo tình hình hàng ngày cho Sở Thương mại và UBND TP.


TR.NG.

Chưa phát hiện hành vi đầu cơ gạo!

Ông Lê Xuân Đài, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, cho biết, sáng 26-4, ngay sau khi được báo về việc mặt hàng gạo tăng giá đột biến, có hiện tượng mua gom gạo để làm giá, chi cục đã đồng loạt ra quân phối hợp với ban quản lý các chợ tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh mặt hàng gạo tại 3 chợ: Trần Chánh Chiếu (Q5), chợ Hoàng Hoa Thám (Tân Bình) và chợ An Lạc (Bình Tân).

Chi cục cũng yêu cầu các đoàn kiểm tra đặc biệt lưu ý tình trạng mua gom hàng, nếu phát hiện sẽ chặn lại ngay để xử lý nghiêm. Đến 21 giờ cùng ngày, ông Võ Phước Thạnh, Đội phó Đội QLTT 5B (đơn vị kiểm tra theo dõi chợ Trần Chánh Chiếu) cho biết, chưa phát hiện hành vi đầu cơ gạo, lượng gạo về chợ trong ngày vẫn đạt mức 200 tấn/ngày, đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường.

Tương tự, ông Ông Quang Thanh, Đội trưởng Đội QLTT Bình Tân, đơn vị đang kiểm tra tình hình tại chợ An Lạc cũng khẳng định, hoạt động mua bán tại chợ vào buổi sáng sôi động hơn nhưng đến chiều thì trở lại bình thường. Hiện đội này tiếp tục theo dõi, nếu phát hiện trường hợp đầu cơ sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.


H.HÀ

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Nguồn cung cấp gạo vẫn ổn định


Giá gạo tại TPHCM tăng đột biến là do người dân thấy báo chí đăng thông tin giá gạo trên thế giới ngày càng tăng, kết hợp với thông tin Việt Nam vừa trúng thầu bán gạo cho Philippines với giá khá cao, lên đến 1.200 USD/tấn (năm 2007 chỉ khoảng 400 USD/tấn) nên hoang mang đổ xô đi mua. Một số cửa hàng bán gạo lợi dụng tâm lý này nên tăng giá. Cũng có đại lý thấy giá tăng nên ghim hàng lại, dẫn đến việc gạo khan hiếm.

Trên thực tế, nguồn cung cấp gạo vẫn ổn định, không có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường này, UBND TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đi nắm bắt thông tin để xử lý tình hình. Ngoài ra, UBND TP cũng đã giao cho lực lượng quản lý thị trường, công an và UBND các quận, huyện đi kiểm tra các cửa hàng kinh doanh gạo. Nếu phát hiện tình trạng gom mua hàng, đầu cơ tích trữ thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm. Người dân nên bình tĩnh trước thông tin này. Việc đổ xô đi mua gạo không chỉ gây thiệt hại cho bản thân người tiêu dùng mà còn gây xáo động thị trường.


H.NI ghi

Tin cùng chuyên mục