Từ tình thương, các em bất hạnh đã lớn lên

Từ tình thương, các em bất hạnh đã lớn lên

Những đứa bé mới sinh ra, còn đỏ hỏn đã không được sưởi ấm bằng thân nhiệt của người mẹ; những hài nhi không may bị tật nguyền từ khi mới lọt lòng mẹ, bị ruồng bỏ không thương tiếc… Đằng sau những trẻ em bất hạnh này là sự cưu mang của xã hội, trong đó trước tiên phải kể đến những người trực tiếp nuôi dưỡng, dẫn dắt các em với tất cả lòng thương yêu, với mong muốn giúp các em hòa nhập với cộng đồng.

  • Niềm vui trong những ngày xuân
Từ tình thương, các em bất hạnh đã lớn lên ảnh 1

Chị Bích Vân, nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em mồ côi Tam Bình đang cho trẻ uống nước cam sau buổi nghỉ trưa.

Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em mồ côi Tam Bình (273 quốc lộ 1A, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) có tất cả 326 em lứa tuổi dưới 18, hầu hết đều mồ côi cả cha lẫn mẹ. Những ngày Tết Đinh Hợi, có 88 em còn ông bà và người thân, nên các em được đón về gia đình vào dịp tết. Những em vui tết ngay tại trung tâm, trong bốn ngày tết các em được tặng thêm khẩu phần ăn uống, được tặng quần áo mới và mỗi em còn được bao lì xì 100 ngàn đồng.

Cũng trong bốn ngày đó, các em được trung tâm tổ chức Hội chợ tại khuôn viên và đưa đi các khu vui chơi: Suối Tiên, Thảo Cầm viên, Đầm Sen... Không giấu được niềm hạnh phúc, em Hình Văn Linh, 16 tuổi tâm sự: “Tết năm nay chúng em rất vui vì được tặng quà, quần áo mới, được các thầy cô tổ chức cho đi chơi ở các khu giải trí.”

Tương tự, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P17 Q. Bình Thạnh) có 600 em trong đó 200 em bán trú. Trong dịp tết, các em đều được thầy cô và nhân viên ở trung tâm chăm sóc chu đáo, được tham gia hội chợ trong khuôn viên, sinh hoạt múa hát và ăn uống. Các em còn tham quan Thảo Cầm viên, Hội hoa xuân, Tao Đàn..., và được tặng bao lì xì 50 ngàn đồng, quần áo mới. Có được điều này là nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước như Công ty Thakrsl cung ứng sữa, đường và dầu ăn hàng tháng; Công ty AFH, Mangdala (Mỹ), AFN (Ý)... góp tiền, quà.

  • Dần hòa nhập vào thế giới trẻ thơ

Đến các trung tâm vào những ngày tết, nghe những câu chào hỏi, chúc tết,... từ các em bị bệnh tật, phát âm khó, chúng tôi cảm thấy nao lòng. Quả là ngạc nhiên và thấy thương các em hơn khi tiếng chuông báo hiệu hết giờ ngủ trưa, rất nhanh, các em đồng loạt thức giấc, tự tay gấp chăn và xếp gối một cách ngăn nắp. Những động tác nhuần nhuyễn như vậy ở lứa tuổi lên 4 lên 5 như các em khó có thể  làm được nếu không được các cô dạy dỗ chu đáo về ý thức tự lực.

Em Nguyễn Kim Bảo, nằm phòng chăm sóc đặc biệt (Trung Tâm Thị Nghè) bị bệnh gồng mình, tuy đã 18 tuổi, nhưng em chỉ cân nặng khoảng 20kg, luôn nằm một chỗ. Rất khó nhọc, em mới có thể nói được lời cám ơn khi có người cho em quà.

Với cây đàn trên tay, ngồi đàn hát chung vui với vài em, tôi dạo bài Lòng Mẹ (tác giả Y Vân), em Thuần Thị Yến Nhi, 4 tuổi, học mẫu giáo (Trung tâm Tam Bình) ngây thơ hỏi: “Mẹ là gì hả chú?”. Tôi đành trả lời mẹ là các cô ở trung tâm nuôi dưỡng em hàng ngày ở đây. Bé Yến Nhi vào trung tâm lúc còn nhỏ, không biết mặt cha mẹ và bây giờ em cũng không biết cha mẹ mình ở đâu. Bé Văn Thanh, 5 tuổi, ở phòng thiểu năng 2, Trung tâm Thị Nghè, không nói được chỉ biểu cảm bằng đôi tay và ánh mắt, tuy nhiên em có thể hiểu được khi định vị đôi môi của người đối diện.

  • Những người tận tụy

Vừa thay tã lót cho các em nhỏ, chị Nguyễn Thị Hoa, tổ trưởng khu thiểu năng 1 (Trung tâm Thị Nghè) vừa trò chuyện niềm nở với chúng tôi. Nhà chị ở Chợ Lớn (Q5), làm việc mỗi tuần 40 giờ. Để tiện đi lại, chị thuê phòng gần trung tâm. Với thâm niên công tác, chị chưa bao giờ than phiền về công việc của mình. Chị đã 32 năm trong nghề, tất bật với hàng trăm trẻ em bị liệt, không biết nói, không có khả năng biểu cảm, đòi hỏi người làm công tác chăm sóc trẻ như chị phải có tấm lòng. Chị Hoa tâm sự: “Đến với công việc trước hết ta phải có cái “tâm” yêu trẻ, yêu công việc. Từ đó ta mới thấu hiểu được tính cách của từng em - có em tiểu tiện vào buổi sáng, có em thích nghe nhạc, có em hay đói vào ban đêm, có em thích được nghe người khác trò chuyện với mình, có em thích leo trèo, để từ đó mà có giải pháp làm việc khoa học và tốt hơn”.

Giống như chị Hoa, chị Kim Loan (Trung tâm Tam Bình) đến với công việc với tất cả tấm lòng yêu trẻ. Những ngày tết một số nhân viên được nghỉ, riêng chị dành trọn những ngày này để đến với các em. Chị Loan phụ trách chung về mặt giáo dục nên cái khó của chị là làm sao truyền đạt cho các em thiểu năng có thể hiểu những điều chị nói, tiếp nhận được những thao tác hướng dẫn của chị. Bằng sự kiên trì, lặp đi lặp lại, chị đã góp phần làm trí não các em thức dậy từ đó các em dần dần hòa nhập khi biết xem ti vi, vui chơi như những em nhỏ bình thường khác.

NGỌC HIẾU

Tin cùng chuyên mục