Tư vấn kinh tế - pháp luật

Số điện thoại tôi sử dụng do con gái tôi đứng tên, nhiều lần tôi bị nhân viên quảng cáo, tiếp thị điện thoại vào và gọi tên con gái tôi, nên tôi nghi là công ty viễn thông bán thông tin của khách hàng ra bên ngoài. Tôi muốn hỏi, công ty viễn thông có được quyền làm lộ thông tin của khách hàng hay không? Nếu họ tiết lộ thông tin khách hàng thì có bị xử lý gì không? (Nguyễn Thị Thanh, quận 5, TPHCM)

- Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong bảo vệ thông tin của người tiêu dùng như sau: Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý; bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng; tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác; chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trong trường hợp công ty viễn thông vi phạm các quy định về bảo vệ thông tin người tiêu dùng thì căn cứ vào Điều 11 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xử lý. Cụ thể, Điều 11 quy định như sau:

1. Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2.
Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Khi tôi gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng và cung cấp số điện thoại cá nhân cho ngân hàng thì liên tục bị những người môi giới bất động sản điện thoại, nhắn tin tiếp thị rất phiền phức. Số điện thoại này tôi không cho ai ngoài con gái mình, nên tôi nghi ngân hàng đã cung cấp, vì vậy tôi phản ánh với giám đốc chi nhánh ngân hàng thì ông ta nói ngân hàng không cung cấp hay tiết lộ thông tin khách hàng và hứa sẽ làm rõ nhân viên nào đã tiết lộ thông tin khách hàng để xử lý. Tuy nhiên, cách ông ta nói chỉ là xử lý trong nội bộ. Tôi muốn hỏi, nếu nhân viên ngân hàng lợi dụng nhiệm vụ để tiết lộ thông tin khách hàng thì có bị xử lý theo pháp luật không? (Nguyễn Hải Minh, quận 11, TPHCM)

- Tôi xin trả lời là có. Bởi vì, khoản 3, Điều 11 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tôi ở chung cư, liên tục bị những người tiếp thị đến phát hàng tiếp thị, nhét tờ rơi quảng cáo vào nhà. Tôi muốn hỏi, những người tiếp thị, quảng cáo mà người tiêu dùng không mong muốn thì họ có vi phạm pháp luật không? (Lê Minh Giang, quận Bình Tân, TPHCM)

- Hành vi đó là vi phạm pháp luật. Vì theo khoản 2 của Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng. Do vậy, ông có thể phản ánh với Ban Quản lý chung cư hoặc công an để được giải quyết.

LS TRẦN HẢI ĐỨC
(Phó Chủ tịch Hội Chất lượng TP, Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Hải Đức)

Tin cùng chuyên mục