Tư vấn Kinh tế - Pháp luật

* Tôi ký hợp đồng lao động với Công ty A., trụ sở chính tại quận Tân Bình, TPHCM từ 1-4-2011. Theo hợp đồng, tôi làm công nhân đứng máy đúc khuôn nhựa, mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, hợp đồng được ký với thời hạn 1 năm, mỗi năm ký lại 1 lần.

Ngày 29-3-2014, công ty mở thêm xưởng sản xuất tại Đồng Nai nên điều chuyển tôi sang làm việc tại đó nhằm chuyển giao kỹ thuật cho công nhân mới. Do không đảm bảo được vệ sinh môi trường, ngày 15-2-2015, phân xưởng phải tạm ngừng sản xuất theo quyết định của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, đồng thời, Giám đốc Công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với tôi cùng tất cả công nhân ở đây mà không có thông báo trước vì lý do gặp sự cố khách quan. Tôi không đồng ý và yêu cầu được quay lại làm việc tại trụ sở chính nhưng không được công ty đồng ý. Tôi xin hỏi, việc chấm dứt hợp đồng của công ty đối với tôi có đúng pháp luật không?
(Nguyễn Nam Anh, quận Tân Bình, TPHCM)

* Về việc ký kết Hợp đồng lao động (HĐLĐ), Công ty A. và anh đã liên tiếp ký kết với nhau 4 HĐLĐ cụ thể như sau: HĐLĐ thứ nhất ký kết khi anh bắt đầu làm tại Công ty A. có thời hạn 1 năm, từ ngày 1-4-2011 đến ngày 31-3-2012; thứ hai từ ngày 1-4-2012 đến ngày 31-3-2013; thứ ba từ ngày 1-4-2013 đến ngày 31-3-2014 và thứ tư là từ 1-4-2014 đến 31-3-2015. Như vậy, HĐLĐ thứ ba và thứ tư là 2 HĐLĐ không đúng quy định pháp luật. Vì theo quy định tại đoạn 2, khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012, khi HĐLĐ xác định thời hạn đầu tiên hết hạn thì “trường hợp ký HĐLĐ mới là HĐLĐ có xác định thời hạn, thì chỉ được ký thêm một lần, sau đó nếu người lao động tiếp tục làm việc thì ký HĐLĐ không xác định thời hạn”. Như vậy, theo quy định pháp luật lao động, Công ty A. chỉ được ký 2 HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm (2 hợp đồng năm 2011 và 2012), còn kể từ HĐLĐ thứ 3 thì phải ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Công ty A. đã ký kết HĐLĐ với anh sai quy định pháp luật ở HĐLĐ năm 2013 và 2014.

Do vậy, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, như anh đề cập thì do không đảm bảo được vệ sinh môi trường, ngày 15-2-2015, phân xưởng phải tạm ngừng sản xuất. Đây chính là lý do khiến cho giám đốc quyết định chấm dứt HĐLĐ với toàn bộ các công nhân, trong đó có anh. Theo điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động trong trường hợp do thiên tai, hoả hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Lý do bất khả kháng trong trường hợp này được hiểu là trường hợp do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thể khắc phục được dẫn tới việc phải thay đổi, thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, giám đốc Công ty A. ra quyết định chấm dứt HĐLĐ là đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, về trình tự thủ tục chấm dứt HĐLĐ, giám đốc Công ty A. ra quyết định chấm dứt HĐLĐ mà không thông báo trước là không đúng quy định pháp luật. Vì căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012, HĐLĐ giữa anh và Công ty A. khi xảy ra tranh chấp là HĐLĐ không xác định thời hạn. Như vậy, trước khi chấm dứt HĐLĐ với anh, Công ty A. phải báo trước ít nhất 45 ngày.

Từ đó, có thể khẳng định Công ty A. tuy có căn cứ để chấm dứt HĐLĐ nhưng vi phạm về thời gian báo trước. Do đó, việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ nêu trên là trái quy định pháp luật.

LS ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ
(Giám đốc Công ty Luật An Luật)


Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.

Tin cùng chuyên mục