Tư vấn kinh tế - pháp luật

Nguyễn Thị Minh, cư ngụ tại Thủ Đức, TPHCM

* Tôi mua một sản phẩm giá 25 triệu đồng, nhưng khi về nhà mới phát hiện ra nhân viên của công ty tư vấn sai tính năng sản phẩm (bếp điện từ bảng tham khảo là 2 lít nước nấu trong 6.7 phút còn nhân viên tư vấn và giấy tờ của nhân viên đưa ra là 4 phút) và trong quá trình tư vấn thể hiện sự lừa dối khách hàng nên tôi không hài lòng về cách bán hàng đó. Tôi trả lại sản phẩm mà công ty không chịu. Xin hỏi là tôi có thể khiếu nại công ty được không? (Nguyễn Thị Minh, cư ngụ tại Thủ Đức, TPHCM)

- Khi bạn mua sản phẩm về nhà bạn mới phát hiện ra nhân viên của công ty tư vấn sai tính năng sản phẩm thì căn cứ Điều 8, Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng, bạn có quyền “yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”. Như vậy, bạn hoàn toàn có quyền khiếu nại công ty để bảo vệ quyền lợi cho mình.

* Tôi mua hộp thực phẩm đóng hộp trong siêu thị nhưng về mới phát hiện thực phẩm bị hư vữa bên trong, mặc dù hàng vẫn còn date. Vậy tôi phải làm gì khi mua sản phẩm kém chất lượng, vì tôi sợ trao đổi với nhà sản xuất sẽ bị gài bẫy như vụ anh Nguyễn Văn Minh ở Tiền Giang? (Nguyễn Bảo Tâm, Biên Hòa, Đồng Nai)

- Khi phát hiện sản phẩm mình mua không đảm bảo an toàn thì bạn nên thông báo sớm cho nhà sản xuất để họ có biện pháp giải quyết kịp thời nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng nói chung. Trong trường hợp đã thông báo sự việc đến nhà sản xuất nhưng họ không hợp tác và hành vi của họ gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì có thể tự mình hoặc đề nghị tổ chức xã hội yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết theo căn cứ tại Điều 25, Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng. Khi thông báo sự việc lên cơ quan có thẩm quyền phải cung cấp thông tin, bằng chứng có liên quan đến hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Trong trường hợp đã gửi văn bản tới cơ quan có thẩm quyền nhưng không được giải quyết thì theo quy định tại Điều 30, Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng 2010, người tiêu dùng có quyền khởi kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ra tòa án để đề nghị tòa án bảo vệ quyên và lợi ích hợp pháp của mình. Quyền khởi kiện của người tiêu dùng được quy định tại Khoản 7, Điều 8 Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể là người tiêu dùng có thể sử dụng một trong 4 hình thức giải quyết tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ như: thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án.

* Tôi mua hàng không đúng chất lượng, đã tranh cãi với nhà sản xuất nhưng chưa đưa thỏa thuận được. Tôi muốn kiện ra tòa, nhưng không có thời gian, vậy tôi có thể nhờ các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh khởi kiện giúp tôi được không? Quyền khởi kiện của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định như thế nào? (Nguyễn Thị Hòa, Bình Tân, TPHCM).

- Khoản 1 Điều 41, Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng đã thừa nhận quyền khởi kiện trực tiếp của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Luật cũng quy định chi tiết nghĩa vụ thông báo thông tin về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện. Sau khi nhận được thông tin vụ án, tòa án có trách nhiệm niêm yết công khai tại trụ sở tòa về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật Tố tụng Dân sự.

LS Đinh Thị Quỳnh Như
(Giám đốc Công ty luật An Luật)

Tin cùng chuyên mục