Hiện tôi đang là tài xế lái xe cho Công ty TNHH Việt Dũng theo hợp đồng lao động ký 3 năm. Theo hợp đồng (HĐ), hàng ngày tôi lái xe ô tô loại 30 chỗ thuộc sở hữu của công ty chở công nhân viên từ TPHCM đến trụ sở công ty tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) và trở về TPHCM chiều cùng ngày. Ngày 30-8-2013, khi tôi lái xe chở công nhân viên công ty từ Biên Hòa về TPHCM thì xảy ra tai nạn với một xe ô tô tải lưu thông cùng chiều. Nguyên nhân gây ra tai nạn được Cơ quan cảnh sát điều tra xác định là do chiếc xe ô tô tôi điều khiển bị mất thắng nên lao vào đuôi xe của chiếc xe ô tô tải. Tai nạn làm cho 2 chiếc xe bị hư hỏng nặng, rất may không có thiệt hại về người. Ông Nguyễn Hữu Tâm, là chủ sở hữu (CSH) của chiếc xe ô tô tải, yêu cầu tôi phải bồi thường thiệt hại là 100 triệu đồng. Vì tôi chỉ là tài xế lái xe cho công ty nên không có khả năng bồi thường số tiền trên. Xin hỏi, theo quy định của pháp luật, tôi hay Công ty Việt Dũng phải bồi thường thiệt hại? Nếu công ty đứng ra bồi thường cho ông Tâm, tôi có phải hoàn trả số tiền này lại cho công ty không? Xin cảm ơn! (Trần Văn Thanh, Q.Bình Thạnh, TPHCM)
Trong trường hợp này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài HĐ. Về nguyên tắc, căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài HĐ được dựa vào quy định tại Khoản 1 Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể của ông, theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra, thiệt hại xảy ra là do chiếc xe ô tô ông đang điều khiển bị mất thắng, nên căn cứ Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005 và Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thiệt hại được xác định do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới... trong đó, xe ô tô là một trong những phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của hai điều luật trên). Vì vậy, việc bồi thường thiệt hại do chiếc xe ô tô ông điều khiển gây ra được dựa vào quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Cụ thể, “CSH nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu CSH đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. CSH, người được CSH giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại, hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Và dựa vào hướng dẫn tại điểm đ, khoản 2, mục III của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: “Nếu CSH nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại”.
Vì vậy, mặc dù ông là người điều khiển chiếc xe ô tô gây ra thiệt hại, nhưng theo quy định trên Công ty TNHH Việt Dũng vẫn là người chiếm hữu, sử dụng xe nên công ty có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trực tiếp cho người bị thiệt hại là ông Nguyễn Hữu Tâm. Sau đó, nếu ông có lỗi trong việc gây ra thiệt hại, thì công ty có quyền yêu cầu ông hoàn trả cho công ty một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Giảng viên Huỳnh Thị Nam Hải
(Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế - Luật)