Tư vấn Kinh tế - Pháp luật

Công ty Khang Thịnh, quận Tân Bình, TPHCM

° Bản án của tòa án nhân dân (TAND) quận tuyên buộc Công ty TNHH Lan Phương phải trả cho công ty chúng tôi số tiền lô hàng còn nợ là 300 triệu đồng. Trong lúc cơ quan thi hành án (THA) đang tổ chức thi hành bản án trên thì có thông báo của TAND về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty TNHH Lan Phương nên cơ quan THA đã ra quyết định tạm đình chỉ THA. Xin hỏi, như vậy có đúng pháp luật không? Việc THA đối với doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản được thực hiện như thế nào? (Công ty Khang Thịnh, quận Tân Bình, TPHCM).

° Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2, Điều 49 và khoản 1, Điều 137 Luật Thi hành án dân sự, sau khi nhận được văn bản của TAND thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thủ trưởng cơ quan THA ra quyết định tạm đình chỉ đối với các trường hợp thi hành về tài sản mà doanh nghiệp là người phải THA. Do vậy, việc cơ quan THA ra quyết định tạm đình chỉ THA đối với công ty bạn là đúng quy định.

Thứ hai, về việc THA đối với doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản trong quá trình THA, thì xử lý như sau:

Ngay sau khi nhận được quyết định của TAND về việc mở thủ tục phá sản, Thủ trưởng cơ quan THA ra quyết định đình chỉ việc THA về tài sản mà doanh nghiệp là người phải thi hành án lâm vào tình trạng phá sản (điểm g, khoản 1, Điều 50 và khoản 2, Điều 137 Luật Thi hành án dân sự). Việc khôi phục thi hành án được thực hiện khi cơ quan THA nhận được quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản hoặc đình chỉ thủ tục phục hồi kinh doanh của TAND. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, Thủ trưởng cơ quan THA ra quyết định thu hồi quyết định đình chỉ THA và tiếp tục thi hành án đối với phần nghĩa vụ về tài sản còn phải thi hành đã đình chỉ đối với doanh nghiệp và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc theo quy định của Luật Thi hành án (khoản 3, Điều 137 Luật Thi hành án dân sự).

Trong trường hợp Cơ quan THA ra quyết định đình chỉ THA thì việc tiếp tục thi hành nghĩa vụ về tài sản đối với doanh nghiệp là người phải THA được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản. Thủ trưởng cơ quan THA có trách nhiệm chỉ đạo Chấp hành viên bàn giao cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản các tài liệu THA có liên quan đến việc tiếp tục thi hành nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản (khoản 2, Điều 137 Luật Thi hành án dân sự).

Trong quá trình mở thủ tục phá sản, Thủ trưởng cơ quan THA không ra quyết định THA đối với các quyết định của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản, kể cả quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trừ trường hợp thi hành nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp phát sinh sau khi có quyết định tuyên bố phá sản. Chấp hành viên và Tổ quản lý, thanh lý tài sản căn cứ các quyết định của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản để tổ chức thi hành (khoản 1, Điều 138 Luật Thi hành án dân sự).

Th.S HUỲNH THỊ NAM HẢI
(Khoa Luật, ĐH Kinh tế Luật)

Tin cùng chuyên mục