Tư vấn kinh tế - pháp luật

Chúng tôi gồm 5 người cùng góp vốn thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) có vốn điều lệ là 1 tỷ đồng. Phần vốn góp của các thành viên như sau: bà Thanh góp 350 triệu đồng, ông Hoàng góp 200 triệu đồng, bà Hồng góp 150 triệu đồng, ông Đắc góp 150 triệu đồng, ông Võ góp 150 triệu đồng. Chúng tôi thống nhất cử bà Thanh giữ chức Giám đốc công ty TNHH trong nhiệm kỳ 5 năm đầu.

Tuy nhiên, 6 tháng sau, bà Thanh thành lập riêng một doanh nghiệp tư nhân (DNTN), cũng do bà làm giám đốc. Vì cho rằng bà Thanh có thể làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty TNHH nên chúng tôi đã yêu cầu bà Thanh thôi giữ chức giám đốc công ty TNHH. Thế nhưng, bà Thanh không đồng ý vì cho rằng mình là người có phần vốn góp lớn nhất trong công ty. Như vậy, chúng tôi có quyền yêu cầu bà Thanh chấm dứt việc làm giám đốc công ty TNHH chung của chúng tôi không? Trình tự, thủ tục ra sao? (Đại diện một công ty TNHH ở quận 3, TPHCM).

Theo quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2005 thì: Hội đồng thành viên công ty TNHH có 2 thành viên trở lên có quyền “…quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức… đối với giám đốc hoặc tổng giám đốc”. Như vậy, những thành viên còn lại của công ty TNHH (ngoại trừ bà Thanh) có quyền lấy tư cách hội đồng thành viên công ty TNHH để thực hiện việc miễn nhiệm chức vụ giám đốc công ty đối với bà Thanh.

Về trình tự, thủ tục thực hiện việc miễn nhiệm chức vụ giám đốc công ty của bà Thanh như sau: khoản 1 Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định, hội đồng thành viên phải triệu tập cuộc họp để biểu quyết. Cuộc họp của hội đồng thành viên chỉ có thể được tiến hành khi có số thành viên dự họp đại diện cho ít nhất 75% vốn điều lệ, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định một tỷ lệ khác lớn hơn (khoản 1 Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2005). Trong trường hợp này, tổng giá trị phần vốn góp của ông Hoàng, ông Đắc, ông Võ, bà Hồng là 750 triệu đồng trên tổng số 1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 75% giá trị vốn điều lệ. Như vậy, cuộc họp hội đồng thành viên của công ty TNHH có thể tiến hành mà không cần có sự tham dự của bà Thanh.

Tuy nhiên cần lưu ý:

- Luật Doanh nghiệp năm 2005 không có bất cứ quy định nào cấm một người đang làm giám đốc công ty TNHH có 2 thành viên trở lên thành lập và làm giám đốc doanh nghiệp tư nhân. Trong trường hợp này phần vốn góp của bà Thanh tại công ty TNHH trở thành một phần tài sản của bà Thanh để đảm bảo cho các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động của DNTN do bà Thanh làm chủ sở hữu.

- Giả sử trong trường hợp bà Thanh tiếp tục làm giám đốc công ty TNHH nói trên, các thành viên còn lại của công ty có thể áp dụng quy định tại Điều 56 về “Nghĩa vụ của thành viên hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc” và Điều 59 về “Hợp đồng, giao dịch phải được hội đồng thành viên chấp thuận” để bảo vệ lợi ích của công ty không bị xâm hại bởi hoạt động của DNTN của bà Thanh.

Th.S. Bành Quốc Tuấn
(Khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật)

Tin cùng chuyên mục