- Tôi hiện là giám đốc một công ty TNHH về nhập khẩu máy móc, thiết bị y tế tại TP Biên Hòa (Đồng Nai). Sắp tới, bên công ty đối tác ở Nhật Bản sẽ gửi một nhân viên của họ sang Việt Nam khoảng 2 tháng để làm việc và hỗ trợ cho công ty của tôi về kỹ thuật. Tôi được biết đối với trường hợp công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới 3 tháng để giải quyết những vấn đề liên quan đến kỹ thuật thì không cần phải có giấy phép lao động. Xin hỏi tôi cần làm những gì để tiếp nhận nhân viên này?
Đại diện công ty TNHH H.H,
Biên Hòa, Đồng Nai
>> Giảng viên NHỮ THỊ THU HUYỀN, Khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 172 Bộ luật Lao động 2012, những trường hợp công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp phép lao động: thời hạn dưới 3 tháng để xử lý những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia không xử lý được. Tuy nhiên theo những chi tiết mà bạn cung cấp, chúng tôi hiểu là nhân viên người Nhật Bản kia sang làm việc và hỗ trợ kỹ thuật đối với những thiết bị mà công ty Nhật Bản cung cấp. Tôi cho rằng điều đó nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của khoản 3 nói trên.
Dựa trên quy định tại Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25-3-2008; Nghị định số 46/2011/NĐ-CP ngày 17-6-2011; Thông tư số 31/2011/TT-BLĐTBXH ngày 3-11-2011 thì nhân viên người Nhật Bản trong trường hợp của bạn được cử qua làm việc tại công ty bạn theo hình thức nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; những người này đã làm việc cho DN nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam được ít nhất 2 năm và phải đáp ứng các điều kiện đối với “chuyên gia” - là người nước ngoài có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao về dịch vụ, thiết bị nghiên cứu, kỹ thuật hay quản lý (bao gồm kỹ sư hoặc người có trình độ tương đương kỹ sư trở lên; nghệ nhân những ngành nghề truyền thống) và người có nhiều năm kinh nghiệm.
Cũng theo những văn bản nêu trên, công ty của bạn phải chuẩn bị những loại giấy tờ sau đây để thực hiện làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động: Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động (theo mẫu số 7 của Thông tư 31/2001/TT-BLĐTBXH); Phiếu lý lịch tư pháp; Giấy chứng nhận sức khỏe; Chứng nhận (văn bằng, giấy xác nhận chuyên môn, thâm niên nghề nghiệp…) về trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao; 3 ảnh màu; Hợp đồng ký kết giữa công ty bạn và đối tác. Tất cả phải dịch sang tiếng Việt có chứng thực. Nộp hồ sơ tại Sở LĐTB-XH.
| |