Tư vấn Kinh tế - Pháp luật

Trần Thanh, quận 9, TPHCM

Chúng tôi gồm 7 người cùng góp vốn thành lập một công ty cổ phần. Theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, chúng tôi thống nhất cử ông K. làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời kiêm tổng giám đốc công ty. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của công ty, chúng tôi không thể biết khi nào ông K. làm việc với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị, khi nào là tổng giám đốc của công ty. Pháp luật quy định điều này thế nào? Sự nhập nhằng này có vi phạm pháp luật không? (Trần Thanh, quận 9, TPHCM)         

  °Theo quy định tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2005 thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đứng đầu Hội đồng quản trị, do Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị bầu theo quy định tại Điều lệ công ty. Chủ tịch Hội đồng quản trị có các quyền hạn sau: lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị; chuẩn bị hoặc tổ chức việc chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập và chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị; tổ chức việc thông qua quyết định của Hội đồng quản trị; giám sát quá trình tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị; chủ tọa họp Đại hội đồng cổ đông.

Còn theo quy định tại Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2005 thì giám đốc hoặc tổng giám đốc do Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm, là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao. Giám đốc có các nhiệm vụ và quyền hạn sau: quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hàng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị; tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị; tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty; kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ công ty; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị; quyết định lương và phụ cấp (nếu có) đối với người lao động trong công ty kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của giám đốc hoặc tổng giám đốc; tuyển dụng lao động; kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh.

Căn cứ vào các quy định này ông có thể phân biệt được khi nào ông K. thực hiện vai trò của chủ tịch Hội đồng quản trị, khi nào ông K. thực hiện vai trò của tổng giám đốc. Ngoài ra, Điều lệ công ty cũng có thể có những quy định riêng về nhiệm vụ, quyền hạn của ông K.

Th.S Bành Quốc Tuấn (Khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật)

Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.

Tin cùng chuyên mục