- Tháng 1-2013, công ty chúng tôi ký kết hợp đồng đại lý để phân phối sản phẩm may mặc với công ty may mặc X. Theo hợp đồng, thù lao đại lý sẽ là 100 triệu đồng/tháng. Hợp đồng không xác định thời hạn đại lý vì chúng tôi muốn duy trì hoạt động phân phối sản phẩm của Công ty X lâu dài, đồng thời cũng không xác định cách thức chấm dứt hợp đồng đại lý. Đầu tháng 9-2014, Công ty X bất ngờ gửi thông báo đề nghị sẽ chấm dứt hợp đồng đại lý từ ngày 15-9-2014. Chúng tôi không đồng ý và đã yêu cầu Công ty X bồi thường thiệt hại 50 triệu đồng để bù đắp chi phí đầu tư cơ sở vật chất khi làm đại lý và 3 tháng thù lao đại lý. Tôi muốn hỏi, việc Công ty X đề nghị chấm dứt hợp đồng như vậy có đúng không? Yêu cầu bồi thường của chúng tôi có hợp lý không?
(Nguyễn Văn Thanh, quận Thủ Đức, TPHCM)
- Tại Điều 77 Luật Thương mại năm 2005, nếu các bên không có thỏa thuận khác, bên giao đại lý muốn chấm dứt hợp đồng đại lý thì phải đáp ứng 2 điều kiện: (1) phải có thông báo bằng văn bản về việc yêu cầu chấm dứt hợp đồng đại lý cho bên đại lý; (2) thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không được sớm hơn 60 ngày, kể từ ngày bên giao đại lý gửi thông báo bằng văn bản cho bên đại lý.
Trong tình huống này, giữa hai bên hoàn toàn không có thỏa thuận nào về việc chấm dứt hợp đồng đại lý, nên Công ty X muốn chấm dứt hợp đồng đại lý phải đảm bảo 2 điều kiện nêu trên theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Công ty X chỉ mới thông báo cho bên đại lý bằng văn bản mà không đảm bảo được thời gian tối thiểu 60 ngày từ ngày thông báo bằng văn bản cho bên đại lý đến khi chấm dứt thời hạn đại lý. Vì vậy, hành động yêu cầu chấm dứt hợp đồng đại lý của Công ty X chưa đúng quy định của pháp luật.
Về việc bồi thường, Khoản 2 Điều 77 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó. Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý”.
Như vậy, trong trường hợp này công ty của anh có quyền yêu cầu Công ty X bồi thường một khoản tiền bằng hai tháng thù lao đại lý (200 triệu đồng), vì thời gian thực hiện đại lý của công ty anh là 1 năm 9 tháng và thù lao đại lý trung bình trong suốt thời gian làm đại lý là 100 triệu đồng. Ngoài ra, vì giữa hai bên không có thỏa thuận nào khác về việc bồi thường, nên công ty của anh không được yêu cầu bồi thường về chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động làm đại lý.
Giảng viên LƯU MINH SANG
(Khoa Luật - ĐH Kinh tế - Luật)
Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gởi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.