* Tháng 5-2014, công ty chúng tôi ký hợp đồng mua 1.000 tấn gạo (giá 10.000 đồng/kg) của Công ty cổ phần A. Theo hợp đồng, Công ty cổ phần A sẽ giao hàng cho công ty chúng tôi vào tháng 10-2014. Trong hợp đồng không quy định về việc phạt hợp đồng hay bồi thường thiệt hại gì cả. Đến thời hạn giao hàng, Công ty cổ phần A không giao hàng cho công ty chúng tôi. Do đó, công ty chúng tôi không thực hiện được hợp đồng với đối tác và bị đối tác phạt vi phạm 200 triệu đồng. Công ty chúng tôi gửi thông báo yêu cầu Công ty cổ phần A bồi thường thiệt hại 200 triệu đồng và chịu phạt 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng vi phạm theo quy định pháp luật nhưng Công ty cổ phần A không chấp thuận. Việc công ty chúng tôi khởi kiện yêu cầu Công ty cổ phần A bồi thường thiệt hại và phạt vi phạt hợp đồng có đúng pháp luật không? (Nguyễn Thị Duyên, Tân Bình, TPHCM)
* Về việc phạt hợp đồng: Theo quy định tại Điều 300 Luật Thương mại quy định “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của luật này”. Như vậy phạt vi phạm chỉ có thể xảy ra trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng. Điều này có nghĩa là phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên, nên một bên không thể yêu cầu bên kia phải chịu phạt vi phạm nếu các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng về vấn đề này. Do vậy, hợp đồng của bạn và Công ty A cổ phần không thỏa thuận về mức phạt vi phạm nên bạn không có quyền yêu cầu Công ty cổ phần A chịu mức phạt này. Việc pháp luật quy định mức phạt 8% trên tổng giá trị hợp đồng bị vi phạm là mức tối đa để các bên thỏa thuận đưa vô hợp đồng. Đó không phải là mức đương nhiên áp dụng khi không có thỏa thuận về mức phạt.
Về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại: Theo quy định tại Điều 303 Luật Thương mại thì “Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây: có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại”. Như vậy, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại vẫn phát sinh dù không có thỏa thuận giữa các bên và khi có đủ các yếu tố như có hành vi vi phạm hợp đồng, có thiệt hại thực tế và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra.
Như vậy, công ty bạn hoàn toàn có đủ căn cứ để yêu cầu Công ty cổ phần A bồi thường thiệt hại trong trường hợp này, nếu cung cấp được chứng cứ thiệt hại. Có nghĩa là bạn phải chứng minh Công ty cổ phần A có hành vi giao hàng không đúng thời hạn, có thiệt hại thực tế về việc bị đối tác phạt vi phạm 200 triệu đồng, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi giao hàng không đúng thời hạn và thiệt hại bị đối tác phạt 200 triệu đồng.
LS ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ
(GĐ Công ty Luật An Luật)