* Tôi và một số người bạn muốn góp vốn để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên. Tôi mong được Báo SGGP tư vấn về một số ưu điểm nổi bật của công ty TNHH hai thành viên, đồng thời, tư vấn giúp chúng tôi những giấy tờ cần thiết để chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. (Nguyễn Minh Châu, Thủ Đức, TPHCM)
* Theo chúng tôi, có 3 ưu điểm nổi bật của loại hình công ty TNHH. Ưu điểm thứ nhất, công ty TNHH là loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân nên các thành viên công ty chỉ phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty. Điều này sẽ hạn chế rủi ro cho người góp vốn. Ưu điểm thứ hai, do loại hình công ty TNHH hai thành viên có số lượng thành viên không nhiều (tối thiểu là 2 và tối đa là 50). Vì có số lượng thành viên không nhiều và thường là người quen biết nên việc điều hành và quản lý công ty sẽ không quá phức tạp. Ưu điểm thứ ba, chế độ chuyển nhượng vốn góp được pháp luật quy định khá chặt chẽ nên bạn và những người bạn của bạn có thể kiểm soát được việc thay đổi các thành viên. Nhờ đó, bạn có thể hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty.
Tiếp theo, như yêu cầu của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn những giấy tờ cần thiết để chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH hai thành viên, gồm:
1. Giấy đề nghị đăng ký công ty TNHH hai thành viên (theo mẫu tại Phụ lục I-3, Thông tư số 01/2013/TT-BKH ngày 21/01/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
2. Dự thảo Điều lệ công ty gồm những nội dung bắt buộc gồm: Tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện; ngành, nghề kinh doanh; vốn điều lệ; cách thức tăng và giảm vốn điều lệ; họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của thành viên; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên; quyền và nghĩa vụ của thành viên; cơ cấu tổ chức quản lý; người đại diện theo pháp luật; thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ và các nội dung khác do thành viên thỏa thuận nhưng không được trái với quy định của pháp luật…
3. Danh sách thành viên công ty (theo mẫu tại Phụ lục I-6, Thông tư số 01/2013/TT-BKH ngày 21-1-2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
4. Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực: giấy chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu) còn hiệu lực đối với thành viên là cá nhân; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với thành viên là tổ chức (trừ trường hợp tổ chức là Bộ/UBND tỉnh, thành phố), kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định ủy quyền của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức.
5. Các giấy tờ khác nếu có đăng ký kinh doanh ngành nghề có điều kiện:
- Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định).
- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định đối với công ty kinh doanh các ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.
Th.S Hồng Thị Ngữ
(Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật)
Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gởi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.