Tôi làm việc cùng lúc cho 2 doanh nghiệp, trong đó có một doanh nghiệp là doanh nghiệp gia đình, chỉ sử dụng 6 lao động, do vậy, doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội cho tôi (mặc dù có hợp đồng lao động 1 năm). Doanh nghiệp đó cho rằng tôi phải tham gia bảo hiểm xã hội ở doanh nghiệp còn lại - nơi có số lượng lao động đông hơn. Xin hỏi, doanh nghiệp đó trả lời như vậy là đúng hay sai? (Nguyễn Bảo Minh, Bình Thạnh, TPHCM)
>> TS Đoàn Thị Phương Diệp (Khoa luật, ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM): Theo quy định tại Nghị định 44/2013/NĐ-CP, người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Khi hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chấm dứt hoặc thay đổi mà người lao động và người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động kế tiếp có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Hoàng Thị Nga, Thủ Đức, TPHCM: Tôi nghỉ thai sản từ ngày 1-6-2014 và đi làm lại từ ngày 1-12-2014. Sau khi đi làm lại thì tôi có việc gia đình và muốn sử dụng phép năm để nghỉ. Tuy nhiên, giám đốc doanh nghiệp nơi tôi làm việc không đồng ý vì lý do tôi đã nghỉ thai sản 6 tháng nên không còn phép năm nữa. Xin hỏi, trả lời của giám đốc doanh nghiệp như vậy là đúng hay sai?
>> TS Đoàn Thị Phương Diệp (Khoa luật, ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM): Theo quy định tại Nghị định 45/2013/NĐ-CP, các khoản thời gian được tính là thời gian làm việc của người lao động để tính nghỉ phép năm:
1. Thời gian học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động theo cam kết trong hợp đồng học nghề, tập nghề.
2. Thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động.
3. Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động.
4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 1 tháng.
5. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
6. Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 2 tháng.
7. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
8. Thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn.
9. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.
10. Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc.
11. Thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.
Như vậy, thời gian nghỉ thai sản của chị vẫn tính là thời gian làm việc để tính phép năm, do đó, trả lời của giám đốc doanh nghiệp như vậy là không phù hợp.
| |