Tư vấn kinh tế - pháp luật

- Hỏi:

- Hỏi: Tôi là cổ đông nhỏ của một công ty đại chúng niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE). Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên công ty liên tục thua lỗ. Theo báo cáo tài chính năm 2013, công ty tiếp tục lâm vào tình trạng lợi nhuận âm và đã làm thủ tục xin giảm vốn điều lệ (VĐL). Hiện tại tình hình kinh doanh của công ty vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình này, tôi rất lo lắng vì không biết công ty có bị hủy niêm yết hay không? Nếu cổ phiếu của công ty bị hủy niêm yết thì số tiền đầu tư của tôi có bị mất hoàn toàn không? (Nguyễn Hoàng Linh Đan, quận 2, TPHCM)

>> Giảng viên Lưu Minh Sang (Khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật): Theo quy định của pháp luật về chứng khoán (CK) hiện hành, hiệu quả hoạt động kinh doanh của các công ty phát hành CK là một trong những tiêu chí để xem xét việc duy trì tình trạng niêm yết của công ty đó trên sở giao dịch chứng khoán. Cụ thể, căn cứ vào Điều 60 Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Điều 19 Quy chế niêm yết CK tại HOSE ban hành kèm theo quyết định số 10/QĐ-SGDHCM ngày 13-1- 2014 của Tổng Giám đốc HOSE quy định công ty niêm yết sẽ bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc trong các trường hợp sau: Số VĐL đã góp của công ty này giảm xuống dưới 120 tỷ đồng; kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số VĐL thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với công ty này; một số trường hợp khác theo quy định (vì không liên quan đến tình huống nên không nêu ra).

Vì chị không nêu rõ tình hình của công ty mà chị đang là cổ đông nên chúng tôi không thể kết luận chính xác được rằng công ty có nguy cơ thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc hay không. Vì thế, chị cần phải kiểm tra lại số VĐL đã góp của công ty hiện nay. Nếu công ty rơi vào một trong các trường hợp chúng tôi trình bày ở trên thì công ty sẽ bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc.

Hệ quả pháp lý nếu công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc đó là cổ phiếu của công ty không thể tiếp tục được giao dịch trên HOSE. Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự tồn tại của công ty. Vì vậy, về mặt pháp lý, quyền lợi của các cổ đông vẫn được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Theo đó, chị vẫn có đầy đủ quyền lợi với tư cách là một cổ đông của công ty và được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, về mặt kinh tế, chị có thể gặp một số khó khăn như: việc bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh và uy tín của công ty nên giá cổ phiếu có thể sẽ bị giảm mạnh; khi có nhu cầu chuyển nhượng cổ phiếu sẽ khó khăn hơn vì tính thanh khoản của cổ phiếu kém khi không được giao dịch tại HOSE; hoạt động giám sát và tiếp cận các thông tin của công ty sẽ trở nên khó khăn hơn.

Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gởi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.

Tin cùng chuyên mục