- Trần Văn B., quận 3, TPHCM: Tôi và một số người bạn dự định thành lập một doanh nghiệp (DN) để kinh doanh thiết bị điện tử tại Việt Nam. Trong nhóm chúng tôi có một người hiện đang định cư tại Hoa Kỳ nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Chúng tôi không biết người này có được kinh doanh tại Việt Nam hay không? Và trong quá trình thành lập DN chúng tôi muốn lập cam kết hoặc ghi nhớ về các vấn đề có liên quan để tránh phát sinh tranh chấp về sau thì phải làm như thế nào?
>> Th.S BÀNH QUỐC TUẤN (Khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật): Theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2005 thì mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Mọi tổ chức, cá nhân có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ những trường hợp pháp luật cấm quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 13. Những trường hợp cấm gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập DN kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các DN 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại DN khác…
Bạn của ông là người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam, nghĩa là vẫn là công dân Việt Nam, nên không thuộc những trường hợp cấm thành lập và góp vốn vào DN theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 13. Tuy nhiên, cần chú ý, vì bạn ông định cư ở nước ngoài nên trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam còn phải chịu sự điều chỉnh của một số văn bản pháp luật khác có liên quan như Luật Đầu tư 2005, Luật Cư trú, Pháp lệnh xuất nhập cảnh… Trong quá trình thành lập và đăng ký kinh doanh cho DN, nếu muốn xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các thành viên cùng góp vốn có thể ký hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và đăng ký kinh doanh. Theo quy định tại Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2005 thì: 1- Thành viên, cổ đông sáng lập hoặc người đại diện theo ủy quyền được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của DN trước khi đăng ký kinh doanh. 2- Trường hợp DN được thành lập thì DN là người tiếp nhận quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết quy định tại khoản 1 điều này. 3- Trường hợp DN không được thành lập thì người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 điều này chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm tài sản về việc thực hiện hợp đồng đó.
Như vậy, ông và các bạn có thể làm một hợp đồng với nội dung như trên. Nếu có phát sinh tranh chấp các bên sẽ căn cứ vào nội dung thỏa thuận trong hợp đồng để giải quyết.
| |