- Chi nhánh thuộc công ty chúng tôi ký hợp đồng mua máy móc với một công ty khác để mua thiết bị máy xuất xứ từ Mỹ với giá 100.000 USD. Bên bán có trách nhiệm bảo hành trong vòng 6 tháng. Lúc nhận hàng, chi nhánh phát hiện máy móc dán nhãn hàng hóa xuất xứ từ Thái Lan chứ không phải từ Mỹ như hợp đồng. Khi đó, bên bán đã đề nghị chi nhánh chúng tôi chấp nhận hàng hóa và họ sẽ giảm giá hàng hóa. Chi nhánh đã đồng ý với nội dung phụ lục hợp đồng: “Bên mua đồng ý nhận hàng với điều kiện là máy móc hoạt động tốt, giá hàng sẽ giảm 10% so với hợp đồng”.
Thế nhưng, sau 3 tháng sử dụng, máy bị trục trặc, không thể sử dụng được nên chi nhánh đã gửi công văn yêu cầu bên bán bảo hành nhưng bên bán không thực hiện. Trong thời gian này, chi nhánh phải thuê máy của đơn vị khác để thay thế.
Chúng tôi có được quyền khởi kiện công ty bên bán vi phạm hợp đồng hay không? Chúng tôi có được yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc phạt vi phạm không?
(Nguyễn Nhân Nam, Thủ Đức, TPHCM).
- Về vấn đề khởi kiện công ty bán hàng hóa: tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai chủ thể có đăng ký kinh doanh thì theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 29 Bộ luật Tố tụng Dân sự, đây là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Do vậy, công ty bạn có thể khởi kiện ra tòa. Vì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc, không có tư cách pháp nhân nên sẽ không được tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn, do vậy công ty bạn phải đứng đơn khởi kiện.
Về hợp đồng và phụ lục hợp đồng: Do vi phạm về chất lượng hàng hóa là vi phạm cơ bản theo Khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại, nên căn cứ Điểm b Khoản 4 Điều 312 Luật Thương mại, nếu nguyên đơn xuất trình được đầy đủ chứng cứ chứng minh sự vi phạm của bên bán về chất lượng của các máy móc xuất xứ từ Thái Lan và chứng minh được sự vi phạm này là “vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng” thì tòa án có căn cứ chấp nhận yêu cầu hủy hợp đồng và các phụ lục kèm theo.
Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 314 Luật Thương mại, khi hủy bỏ hợp đồng thì “Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Thương mại”. Theo đó, công ty bạn được quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại phát sinh. Điều 300 Luật Thương mại quy định “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận…”. Biện pháp phạt vi phạm hợp đồng chỉ được thực hiện khi các bên có thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thỏa thuận bổ sung tại các phụ lục hợp đồng. Tuy nhiên, vì trong hợp đồng và phụ lục, các bên không có thỏa thuận hành vi vi phạm chất lượng hàng hóa nên bên bán sẽ không bị phạt do vi phạm.
LS ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ
(GĐ Công ty Luật An Luật)
Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gởi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.