Tư vấn Kinh tế - Pháp luật

- Hỏi: Tôi là thành viên Hội đồng Quản trị Trường Trung cấp Chuyên nghiệp V – N. Nay trường chúng tôi muốn liên kết với một trường đại học khác đào tạo bậc cử nhân nhưng không biết điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành như thế nào? Cơ sở pháp lý quy định ra sao? (Nguyễn Long T., Long An)

- Hỏi: Tôi là thành viên Hội đồng Quản trị Trường Trung cấp Chuyên nghiệp V – N. Nay trường chúng tôi muốn liên kết với một trường đại học khác đào tạo bậc cử nhân nhưng không biết điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành như thế nào? Cơ sở pháp lý quy định ra sao? (Nguyễn Long T., Long An)

- Trả lời: Trường trung cấp chuyên nghiệp tư thục của ông được tổ chức và hoạt động theo các quy định tại Điều lệ Trường Trung cấp chuyên nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 54/2011/TT-BGDĐT ngày 15-11-2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, trường trung cấp chuyên nghiệp không được đào tạo bậc cử nhân. Muốn đào tạo phải liên kết với một trường đại học và phải đảm bảo các điều kiện do pháp luật quy định. Cơ sở pháp lý của việc liên kết được quy định tại Quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học ban hành kèm theo Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28-7-2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể như sau:

- Đối với liên kết đào tạo trình độ cao đẳng, đại học: Đơn vị chủ trì đào tạo bao gồm các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng đảm bảo các điều kiện luật định; Đơn vị phối hợp đào tạo bao gồm các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, các đại học, học viện và trung tâm giáo dục thường xuyên các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Về điều kiện thực hiện liên kết đào tạo: Đối với đơn vị chủ trì đào tạo phải có văn bản cho phép mở ngành đào tạo đối với ngành dự định liên kết; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chỉ tiêu đào tạo; đảm bảo yêu cầu về đội ngũ giảng viên (giáo viên), cán bộ quản lý, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy theo quy định, phù hợp với mục tiêu đào tạo của khóa học. Đối với đơn vị phối hợp đào tạo phải xác định được nhu cầu đào tạo (về số lượng, ngành nghề và trình độ đào tạo); xác định được địa điểm đặt lớp (đối với các khóa liên kết đào tạo cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, địa điểm đặt lớp phải là các trường, các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh); đối với các khóa liên kết đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, địa điểm đặt lớp phải là các trường, các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện; đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết để phục vụ dạy học, thực hành, thực tập, đảm bảo môi trường sư phạm, có đội ngũ cán bộ quản lý phù hợp với mục tiêu đào tạo của khóa học.

Ngoài các điều kiện này, các bên tham gia liên kết còn phải tuân thủ các quy định về hồ sơ liên kết đào tạo, quy trình thực hiện liên kết đào tạo, bảo quản và lưu giữ hồ sơ liên kết đào tạo…

Th.S Bành Quốc Tuấn
(Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật)

Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.

Tin cùng chuyên mục