Tư vấn kinh tế - pháp luật

Hỏi: Ngày 17-5-2014, Công ty tôi và Công ty A có ký hợp đồng cho mượn máy siêu âm. Thời hạn của hợp đồng từ ngày 17-5-2014 đến ngày 24-5-2014. Tại Điều 1 của hợp đồng các bên đã quy định rất rõ các linh kiện đi kèm máy siêu âm. Đến ngày 5-6-2014, hai bên tiếp tục ký phụ lục hợp đồng số 0506/2014HĐ để gia hạn thêm thời gian mượn máy đến ngày 19-6-2014.

Ngày 20-6-2014, Công ty A trả máy cho công ty tôi theo biên bản trả máy và các bên xác nhận tình trạng máy khi trả như sau: Đầu điều trị số 1 bị tróc sơn, bay màu; đầu điều trị số 2 bị tróc sơn, thấu kính bị nứt; đầu dẫn 3 bị trầy, tróc sơn.

Theo quy định tại Điều 2 của hợp đồng thì “Bên B chịu trách nhiệm thanh toán chi phí phát sinh trong trường hợp máy bị hư hỏng, mất mát các thiết bị đi kèm (không phải lỗi của nhà sản xuất)”. Tức là, Công ty A có trách nhiệm thanh toán chi phí sửa chữa do máy bị hư hỏng. Công ty tôi đã liên hệ nhà sản xuất thì được báo chi phí sửa chữa khoảng 100 triệu đồng. Công ty tôi đã nhiều lần yêu cầu Công ty A thanh toán chi phí này nhưng không nhận được sự hợp tác. Vì vậy, chúng tôi dự định khởi kiện vụ án này tại tòa án có thẩm quyền.

Vậy, chúng tôi xin phép hỏi yêu cầu thanh toán chi phí sửa chữa nêu trên của công ty tôi có phù hợp với quy định pháp luật hay không? Và cách nào để chúng tôi yêu cầu Công ty A thanh toán số tiền này?
(Nguyễn Như, quận 3, TPHCM)

Trả lời: Trong vụ này, việc công ty bạn yêu cầu Công ty A thanh toán chi phí sửa chữa khoảng 100 triệu đồng là yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Vì vậy, căn cứ Khoản 3 Điều 517 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 303 Luật Thương mại 2005 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây: Có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Đồng thời, căn cứ Điều 304 Luật Thương mại 2005 thì “Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”.

Như vậy, để có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại, công ty bạn phải có đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm (biên bản bàn giao máy, biên bản nhận máy thể hiện tình trạng hư hỏng so với máy đã nhận, hợp đồng) và thiệt hại phát sinh từ việc hư máy (hóa đơn, hợp đồng sửa chữa máy…).

Trường hợp có đủ chứng từ đáp ứng điều kiện trên (chứng minh hành vi vi phạm và thiệt hại), công ty bạn có thể khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền nơi Công ty A đặt trụ sở chính để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

LS ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ
(Giám đốc Công ty Luật An Luật)



Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.

Tin cùng chuyên mục