Tư vấn kinh tế - pháp luật

- Trần Thái An (Thủ Đức, TPHCM):

- Trần Thái An (Thủ Đức, TPHCM): Theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, Công ty TNHH 2TV Gia Phúc có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tôi số tiền là 1 tỷ đồng và đang được Cơ quan thi hành án tổ chức thi hành. Tuy nhiên, trong thời gian này chủ sở hữu Công ty đã quyết định chuyển đổi thành Công ty cổ phần Gia Phúc. Xin hỏi, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ thi hành án, doanh nghiệp được quyền chuyển đổi loại hình doanh nghiệp không? Trong trường hợp doanh nghiệp được quyền chuyển đổi, việc thi hành nghĩa vụ thi hành án sẽ được thực hiện như thế nào?

>> Th.S Huỳnh Thị Nam Hải (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật): Theo quy định tại Điều 196 Luật Doanh nghiệp 2014, công ty trách nhiệm hữu hạn có quyền chuyển đổi thành công ty cổ phần. Cũng theo điều luật này, cụ thể tại Khoản 4 quy định “công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi”. Quy định này cũng phù hợp với quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014, cụ thể như sau: “Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần mà trước đó chưa thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của mình thì sau khi chuyển đổi, công ty cổ phần tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên Công ty TNHH 2TV Gia Phúc có quyền thực hiện việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Trong trường hợp này, sau khi Công ty TNHH 2TV Gia Phúc (công ty được chuyển đổi) thực hiện việc chuyển đổi thành công ty cổ phần (công ty chuyển đổi) thì Công ty cổ phần Gia Phúc sẽ chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của Công ty TNHH 2TV Gia Phúc trong đó bao gồm nghĩa vụ trả nợ cho công ty ông.

- Nguyễn Hữu Hy, quận Gò Vấp, TPHCM: Theo Luật Doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp. Trường hợp chưa thành lập doanh nghiệp thì cách tính thuế thế nào?

>> Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế): Đối với hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên trên 10 lao động mà chưa thành lập doanh nghiệp thì cơ quan thuế sẽ lập danh sách để báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về cấp đăng ký kinh doanh để phối hợp hướng dẫn hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trong thời gian chưa chuyển lên thành doanh nghiệp thì cơ quan thuế vẫn tiếp tục quản lý thu thuế khoán như các hộ kinh doanh khác.

- Nguyễn Thị Lệ, quận 1, TPHCM: Có nhiều cá nhân làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, được trả lương bằng ngoại tệ. Đối với doanh thu, thu nhập nhận được bằng ngoại tệ thì tính thuế thế nào, có phải quy đổi ra đồng Việt Nam hay không?

>> Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế): Trường hợp cá nhân thu nhập bằng ngoài tệ thì phải quy đổi là đồng Việt Nam để khai thuế và tính thuế. Tỷ giá quy đổi áp dụng theo tỷ giá của ngân hàng mà cá nhân mở tài khoản. Trường hợp cá nhân không mở tài khoản tại Việt Nam thì quy đổi theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng Ngoại thương.

Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323

Tin cùng chuyên mục