Theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án, công ty chúng tôi có nghĩa vụ thanh toán cho bà Nguyễn Thị Hoa số tiền 300 triệu đồng cho hợp đồng mua hàng đã ký trước đó. Do gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, công ty chúng tôi đã chậm trễ trong việc thanh toán tiền theo yêu cầu của bà Hoa. Vì vậy, bà Hoa đã có đơn yêu cầu Cơ quan Thi hành án tổ chức thi hành bản án nói trên. Hiện nay, Cơ quan Thi hành án ra quyết định kê biên một số tài sản của công ty chúng tôi để thi hành án. Xin hỏi: Những tài sản nào của doanh nghiệp có thể bị kê biên để thi hành án? Trong trường hợp công ty chúng tôi muốn đề nghị Cơ quan Thi hành án kê biên một số tài sản cụ thể để thi hành án để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty thì có được chấp thuận không? (Nguyễn Thị Hoàng Yến, quận Tân Bình, TPHCM).
Thứ nhất, về nguyên tắc Cơ quan Thi hành án có quyền kê biên tài sản của người phải thi hành án để tổ chức thi hành án, trừ một số tài sản không được kê biên theo quy định. Cụ thể, đối với trường hợp người phải thi hành án là doanh nghiệp, Khoản 3 Điều 87 Luật Thi hành án Dân sự 2014 quy định Cơ quan Thi hành án không được kê biên các tài sản sau: số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh; trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, theo quy định hiện hành Cơ quan Thi hành án Dân sự phải ưu tiên thực hiện việc khấu trừ tài khoản, xử lý vàng, bạc, đá quý, kim khí quý khác, giấy tờ có giá của doanh nghiệp đang do doanh nghiệp quản lý hoặc đang do người thứ ba giữ, sau đó nếu vẫn không đủ để thi hành án thì mới tiến hành kê biên tài sản khác của doanh nghiệp để thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền có quyết định khác hoặc đương sự có thỏa thuận khác (Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
Thứ hai, trong trường hợp doanh nghiệp phải thi hành án tự nguyện đề nghị Cơ quan Thi hành án kê biên một tài sản trong số nhiều tài sản mà không gây trở ngại cho việc thi hành án và tài sản đó đủ để thi hành án cũng như các chi phí liên quan thì Chấp hành viên giải thích cho doanh nghiệp về việc phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản đó và tiến hành kê biên tài sản để thi hành án. Doanh nghiệp bị hạn chế quyền thực hiện giao dịch đối với các tài sản khác cho đến khi thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án (Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI
(Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật)
Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.