° Tôi muốn hỏi, với quy định hiện nay tại Thông tư 92 thì những khoản thu nhập nào không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân? (Nguyễn Văn Hữu, quận 1, TPHCM)
- Thông tư 92 có hiệu lực từ 30-7-2015 có bổ sung một số khoản thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động, đó là khoản trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người Việt Nam cư trú dài hạn ở nước ngoài về Việt Nam làm việc; khoản bảo hiểm không bắt buộc, không có tích lũy mà người sử dụng lao động mua cho người lao động (bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ); khoản chi về phương tiện đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân; khoản chi đám hiếu, hỉ cho người lao động và gia đình người lao động; khoản thu nhập từ lợi tức của doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên.
° Doanh thu đối với hộ kinh doanh cá thể là rất quan trọng trong việc tính thuế. Vậy, ngành thuế dựa vào những căn cứ nào để xác định doanh thu tính thuế cho các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán năm 2016? (Phạm Thị Lệ, quận Tân Bình, TPHCM)
- Đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thì số thuế phải nộp sẽ được tính trên doanh thu khoán ổn định cả năm. Do đó, việc xác định doanh thu khoán ổn định cả năm là rất quan trọng. Để đảm bảo tính ổn định, minh bạch và phù hợp thực tế, cơ quan thuế xây dựng mức dự kiến doanh thu của từng hộ kinh doanh trên cơ sở mức doanh thu khoán năm 2015; mức doanh thu do cá nhân tự khai của năm 2016; cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế; dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá. Mức dự kiến doanh thu sẽ được tham vấn ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn và niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường hoặc trụ sở cơ quan thuế hoặc ban quản lý chợ để lấy ý kiến của nhân dân. Sau khi có ý kiến của Hội tư vấn thuế địa phương và ý kiến phản hồi của người dân, cơ quan thuế sẽ chính thức thông báo doanh thu và mức thuế phải nộp của từng hộ kinh doanh.
Như vậy, có thể thấy rằng việc xác định doanh thu khoán của mỗi hộ kinh doanh đều có sự tham gia của nhiều bên có liên quan, không chỉ trong phạm vi cơ quan thuế.
° Hiện nay có hiện tượng nhiều địa phương tiêu cực, thiên vị nên xác định số thuế cho một số hộ không đúng với thực tế, vậy trách nhiệm của cục thuế trong việc chỉ đạo, kiểm soát việc xác định doanh thu và mức thuế khoán của cá nhân kinh doanh tại các chi cục thuế như thế nào? (Nguyễn Đình Tú, quận Phú Nhuận, TPHCM)
- Tại Thông tư 92 quy định cục thuế hàng năm phải tiến hành kiểm tra, giám sát tối thiểu là 20% số chi cục thuế trên địa bàn trong việc xác định doanh thu và mức thuế khoán của hộ kinh doanh. Đối với mỗi chi cục thuế trong số 20% được chọn, cục thuế còn phải kiểm tra đối chiếu thực tế tối thiểu 15% số hộ kinh doanh, trong đó tập trung vào các hộ kinh doanh như: hộ kinh doanh tại khu vực chợ biên giới, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động, sử dụng nhiều hóa đơn, hộ kinh doanh vật liệu xây dựng có nguồn gốc tài nguyên khoáng sản, hộ kinh doanh quy mô lớn với nhiều địa điểm kinh doanh, hộ kinh doanh có mức doanh thu khoán bất hợp lý.
(Tổng cục Thuế)
Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.