- Một bạn đọc (….doanle@gmail.com): Công ty chúng tôi tại TPHCM có ký hợp đồng dịch vụ logistics với một công ty kinh doanh logistics tại TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau khi kết thúc công việc, chúng tôi phát hiện một số lô hàng hóa của chúng tôi bị hư hỏng nặng. Chúng tôi có đòi yêu cầu bồi thường, nhưng phía công ty kia từ chối và nói rằng họ được miễn trách nhiệm khi thực hiện dịch vụ và không có nghĩa vụ phải bồi thường. Xin hỏi, họ có nghĩa vụ bồi thường cho chúng tôi hay không?
>> TS NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG (Khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật TPHCM): Vì trong thư bạn không nêu rõ dịch vụ logistics được thực hiện cụ thể gồm những công việc gì, hàng hóa bị thiệt hại như thế nào và lý do từ chối bồi thường là gì, nên tôi xin giải đáp thắc mắc của bạn khái quát như sau:
Theo Điều 237 Luật Thương mại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hóa phát sinh trong các trường hợp sau đây:
a) Tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng ủy quyền;
b) Tổn thất phát sinh do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc của người được khách hàng ủy quyền;
c) Tổn thất là do khuyết tật của hàng hóa;
d) Tổn thất phát sinh trong những trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải nếu thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải;
e) Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn 14 ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận;
f) Sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại trọng tài hoặc tòa án trong thời hạn 9 tháng, kể từ ngày giao hàng.
Ngoài ra, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ được hưởng của khách hàng, về sự chậm trễ hoặc thực hiện dịch vụ logistics sai địa điểm không do lỗi của mình.
Đối với trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận chuyển hàng hóa của bạn và gây thiệt hại (trường hợp nêu tại điểm d phía trên) thì thương nhân này còn được miễn trách nhiệm trong những trường hợp theo Điều 78 Bộ luật Hàng hải, gồm:
a) Lỗi của thuyền trưởng, thuyền viên, hoa tiêu hàng hải hoặc người làm công của người vận chuyển trong việc điều khiển hoặc quản trị tàu;
b) Hỏa hoạn không do người vận chuyển gây ra; thiên tai; chiến tranh;
c) Thảm họa hoặc tai nạn hàng hải trên biển, vùng nước cảng biển mà tàu biển được phép hoạt động;
d) Hành động xâm phạm trật tự và an toàn công cộng mà bản thân người vận chuyển không gây ra;
e) Hành động bắt giữ của người dân hoặc cưỡng chế của tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác;
f) Hạn chế về phòng dịch;
g) Hành động hoặc sự sơ suất của người giao hàng, chủ sở hữu hàng, đại lý hoặc đại diện của họ;
h) Đình công hoặc các hành động tương tự khác của người lao động do bất kỳ nguyên nhân nào làm đình trệ hoàn toàn hoặc một phần công việc;
i) Bạo động hoặc gây rối;
j) Hành động cứu người hoặc cứu tài sản trên biển;
k) Hao hụt về khối lượng, trọng lượng hoặc mất mát, hư hỏng khác của hàng hóa xảy ra do chất lượng, khuyết tật ẩn tì hoặc khuyết tật khác của hàng hóa;
l) Hàng hóa không được đóng gói đúng quy cách;
m) Hàng hóa không được đánh dấu ký, mã hiệu đúng quy cách hoặc không phù hợp;
p) Khuyết tật ẩn tì của tàu biển mà những người có trách nhiệm không phát hiện được, mặc dù đã thực hiện nhiệm vụ một cách mẫn cán;
q) Bất kỳ nguyên nhân nào khác xảy ra mà người vận chuyển không có lỗi hoặc không cố ý gây ra tổn thất hoặc không phải do người làm công, đại lý của người vận chuyển có lỗi gây ra.
Như vậy, nếu rơi vào các trường hợp trên, công ty kinh doanh dịch vụ logistics kia sẽ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty bạn.
Bạn đọc có thắc mắc về các
vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gởi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM.
Email: hanni@sggp.org.vn
ĐT: 0903.975323