* Vừa qua, tôi có mua một sản phẩm để tiêu dùng, tuy nhiên sau khi thanh toán tiền và mang hàng hóa về nhà sử dụng, tôi mới phát hiện đó là hàng giả. Vậy tôi có kiện doanh nghiệp sản xuất để đòi bồi thường được không? Tôi phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình, bởi vì nghe trường hợp của anh Nguyễn Văn Minh ở Tiền Giang mua hàng không đảm bảo chất lượng, yêu cầu bồi thường cao lại bị bắt, tôi rất sợ! (Nguyễn Lê Bảo Sơn, quận Thủ Đức, TPHCM)
* Trong quan hệ mua bán hàng hóa, người mua hàng hóa để sử dụng được xem là người tiêu dùng và có những quyền lợi được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Hiện nay, quyền lợi của người tiêu dùng được ghi nhận tại Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010. Trong trường hợp người tiêu dùng giao dịch mua hàng hóa để sử dụng từ những tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa sẽ được bảo vệ các quyền liên quan như: (1) được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tiền và lợi ích hợp pháp khác khi sử dụng hàng hóa; (2) Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; (3) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định; (4) những quyền khác theo quy định.
Như vậy, việc buôn bán hàng giả được xem là một hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng của những chủ thể kinh doanh hàng hóa. Người tiêu dùng mua phải hàng giả có quyền trực tiếp hoặc thông qua một tổ chức xã hội thực hiện những biện pháp bảo vệ mình thông qua việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 và những văn bản hướng dẫn cũng đã cụ thể hóa trách nhiệm của những cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp nhận và tiến hành các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm: Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương; Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; UBND cấp quận, huyện nơi giao dịch diễn ra...
Trường hợp của anh, anh có thể phản ánh vụ việc đến một trong các địa chỉ sau đây để được tư vấn giải quyết hoặc giải quyết trực tiếp: Văn phòng Tư vấn giải quyết khiếu nại của Người tiêu dùng tại TPHCM thuộc Trung ương Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - đây là tổ chức xã hội có chức năng hướng dẫn, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; UBND cấp quận, huyện nơi anh giao dịch hàng hóa; Sở Công thương TPHCM; Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương. Anh có thể phản ánh trực tiếp qua tổng đài 1800-6838 hoặc gởi thông tin qua địa chỉ http://bvntd.vca.gov.vn/ để được tư vấn cụ thể thủ tục bảo vệ quyền lợi của mình (anh cần lưu ý phải lưu giữ các chứng cứ như hàng hóa, chứng từ mua bán để xuất trình khi cơ quan nhà nước yêu cầu).
Giảng viên Lưu Minh Sang
(Trường ĐH Kinh tế - Luật)
Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gởi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.