Tư vấn kinh tế - pháp luật

- Một bạn đọc có địa chỉ email là

- Một bạn đọc có địa chỉ email là truongvan…@yahoo.com: Công ty chúng tôi có trụ sở tại Hà Nội và một văn phòng đại diện tại TPHCM. Nay chúng tôi muốn thực hiện hoạt động khuyến mại trên địa bàn TPHCM, xin quý báo cho biết văn phòng đại diện của công ty chúng tôi có được thay mặt cho công ty thực hiện hoạt động khuyến mại tại TPHCM hay không?

>> TS Nguyễn Thị Hồng Nhung (Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM): Theo Điều 91 Luật Thương mại 2005 thì thương nhân Việt Nam, chi nhánh của thương nhân Việt Nam, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền tự tổ chức khuyến mại hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại cho mình. Tuy nhiên, văn phòng đại diện của thương nhân không được thực hiện khuyến mại hoặc thuê thương nhân khác thực hiện khuyến mại tại Việt Nam cho thương nhân mà mình đại diện.

Như vậy, văn phòng đại diện của công ty bạn không được thay mặt cho công ty thực hiện hoạt động khuyến mại tại TPHCM. Thay vào đó, công ty của bạn có trụ sở tại Hà Nội có thể trực tiếp thực hiện hoạt động khuyến mại hoặc thuê thương nhân khác thực hiện khuyến mại tại địa bàn TPHCM.

- Một bạn đọc có địa chỉ email là trantran…@gmail.com: Công ty chúng tôi có mua 20 máy vi tính để phục vụ cho hoạt động văn phòng của công ty. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi được thông báo bởi công ty quản lý phần mềm là các phần mềm cài đặt trong các máy vi tính đó vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và yêu cầu chúng tôi ngưng sử dụng hoặc phải trả tiền bản quyền nếu muốn tiếp tục sử dụng. Xin quý báo cho tôi hỏi trong trường hợp như vậy, công ty tôi hay bên bán máy vi tính sẽ chịu trách nhiệm về việc vi phạm bản quyền này? Trân trọng cảm ơn!

>> TS Nguyễn Thị Hồng Nhung (Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM): Điều 46 Luật Thương mại 2005 quy định, bên bán không được bán hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Và bên bán phải chịu trách nhiệm trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa đã bán. Thêm vào đó, Điều 28 tại Khoản 8 Luật Sở hữu trí tuệ đã sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định rằng hành vi sử dụng tác phẩm (phần mềm máy tính) mà không được phép, không trả tiền thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi vi phạm quyền tác giả.

Như vậy, việc công ty bạn sử dụng phần mềm lậu là vi phạm bản quyền, nhưng việc vi phạm này có nguyên nhân từ bên bán máy vi tính. Do vậy, khi nhận được thông báo và biết được đây là phần mềm lậu, công ty của bạn phải ngừng ngay việc sử dụng và thông báo ngay cho bên bán biết để yêu cầu bên bán tìm cách khắc phục. Chi phí phát sinh liên quan đến vấn đề khắc phục hành vi vi phạm sẽ do bên bán chịu trách nhiệm. Trong trường hợp công ty bạn không thực hiện những hành động trên mà vẫn cố tình tiếp tục sử dụng phần mềm lậu, công ty bạn sẽ chịu trách nhiệm về việc vi phạm bản quyền, căn cứ theo Khoản 8, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ nói trên.

* Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gởi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.

Tin cùng chuyên mục