Tư vấn kinh tế - pháp luật

- NGUYỄN MINH TÂN (Giám đốc Công ty TNHH X, TPHCM): Ngày 7-4-2015, công ty tôi có gửi fax chào hàng đến Công ty B và Công ty C. Đề nghị chào hàng này bao gồm: hàng hóa chúng tôi muốn bán là 100 bộ sofa, Đơn giá mỗi bộ là 6,6 triệu đồng (đã bao gồm VAT). Địa điểm giao hàng là trụ sở chính của bên mua và thời hạn giao hàng là trong vòng 10 ngày kể từ ngày bên mua đồng ý chào hàng và trong đó cũng nêu rõ thời hạn trả lời là trong vòng 5 ngày. Trong thư chào hàng mà công ty tôi gửi cho Công ty B và Công ty C, có nêu rõ tên Công ty B và tên Công ty C trong phần người nhận.

Đến ngày 11-4-2015, công ty tôi nhận được fax phản hồi từ Công ty B đồng ý toàn bộ nội dung chào hàng trên. Ngày 13-4-2015, công ty tôi đã liên hệ và sắp xếp lịch giao hàng với Công ty B qua điện thoại là sẽ giao vào ngày 16-4-2015. Tuy nhiên, đến ngày 16-4-2015, Công ty B không chịu nhận hàng và cho rằng hai bên không có ký kết hợp đồng nên Công ty B không có trách nhiệm nhận số hàng nêu trên và Công ty B cho rằng mình đã gửi fax đến công ty tôi để rút lại việc đồng ý mua lô hàng vào ngày 15-6-2015. Trong khi công ty tôi không nhận được bản fax mà Công ty B đề cập. Trong khi chờ giải quyết, một số lô hàng sofa đã bị thấm nước mưa nên bị hư hại nhất định. Như vậy, công ty tôi có thể yêu cầu Công ty B nhận hàng không và có quyền yêu cầu Công ty B bồi thường số hàng đã bị hư hại không?

- LS ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ (Giám đốc Công ty Luật An Luật): Căn cứ khoản 1 Điều 390 Bộ Luật Dân sự thì “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể”. Với quy định này, văn bản chào hàng của công ty bạn được xem là một đề nghị giao kết hợp đồng.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 404 Bộ luật Dân sự thì “Hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết”. Và công ty bạn đã nhận được văn bản từ Công ty B về việc chấp nhận đề nghị của công ty bạn nên xem như hợp đồng giữa các bên đã được giao kết nên Công ty B phải có trách nhiệm nhận hàng theo thỏa thuận.

Nếu Công ty B nói đã gởi thông báo từ chối cho công ty bạn thì phải chứng minh là thư đã đến tay người nhận. Nếu không chứng minh được thì việc không nhận hàng của Công ty B gây ra thiệt hại cho công ty bạn (công ty bạn phải có chứng cứ cụ thể để chứng minh thiệt hại) thì công ty bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 302 Luật Thương mại 2005. Theo đó, giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Bạn có thể tiến hành thủ tục khởi kiện tại tòa án nơi Công ty B đặt trụ sở để yêu cầu tòa án buộc Công ty B thực hiện nghĩa vụ theo đúng thỏa thuận.

Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gởi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.

Tin cùng chuyên mục