- Nguyễn Minh Lâm, quận Tân Bình, TPHCM: Mẹ tôi nghe lời một số người tham gia sử dụng thử máy chăm sóc sức khỏe miễn phí, nhưng sau đó, các công ty đa cấp cứ theo bắt ép chúng tôi mua sản phẩm, thậm chí dùng lời lẻ kiểu “con cái không biết chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ là bất hiếu” để kích động. Hành vi bán hàng như thế có đúng không?
>> Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về các hành vi bị cấm ghi rõ: Cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ép buộc người tiêu dùng thông qua việc thực hiện một trong các hành vi sau đây: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch. Cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ yêu cầu người tiêu dùng thanh toán hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng; cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng; cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
Do vậy, hành vi nói kích của người bán hàng tuy chưa đến mức vi phạm pháp luật nhưng đấy là lời nói khiếm nhã, sẽ khiến khách hàng từ chối mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ.
- Phạm Thanh Liêm, quận 3, TPHCM: Chúng tôi có một số hợp đồng sang nhượng bất động sản nhưng không muốn con cái biết, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tôi có được quyền yêu cầu bên bán, bên môi giới giữ bí mật thông tin cho mình không?
>> Trong thời đại thông tin hiện nay, đặc biệt là trong giao dịch điện tử, giao dịch qua mạng, thông tin là tài sản, là của cải của người tiêu dùng cần được bảo vệ. Trong thực tế, nhiều người tiêu dùng do để thất thoát thông tin đã bị kẻ xấu lợi dụng, dẫn đến mất mát tiền của và chịu nhiều rắc rối khác. Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định: Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Do vậy, ông được quyền đề nghị các bên giữ bí mật thông tin cơ bản của mình.
- Hữu Lâm, TPHCM: Pháp luật có quy định cụ thể trách nhiệm của người kinh doanh trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng không, vì tôi nghĩ thông tin và số điện thoại của tôi bị ngân hàng cung cấp cho công ty môi giới bất động sản?
>> Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong bảo vệ thông tin của người tiêu dùng như sau: Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm: thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý; bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng; tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác; chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
LS Trần Hải Đức
(Phó Chủ tịch Hội Chất lượng TPHCM, Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Hải Đức)
| |