Tư vấn Kinh tế - Pháp luật

Nguyễn Thị Hải,

- Năm nay gia đình tôi có huy động thêm vốn để kinh doanh, mức thuế môn bài của gia đình tôi cũng bị tăng thêm 500.000 đồng, cao hơn mức nộp của năm ngoái. Khi tôi hỏi thì cán bộ thuế trả lời là do gia đình tăng vốn kinh doanh nên mức thuế môn bài phải nộp cũng cao hơn. Xin hỏi như vậy có đúng không?

Nguyễn Thị Hải, TPHCM

>> Theo quy định hiện hành về thuế môn bài thì mức thuế môn bài đối với hộ kinh doanh được xác định theo mức thu nhập. Trường hợp hộ kinh doanh hoạt động với quy mô lớn hơn và cơ quan thuế đã có căn cứ để xác định mức thu nhập lớn hơn năm trước thì sẽ phải điều chỉnh mức thuế môn bài phải nộp là đúng quy định.

- Chúng tôi mở cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ. Do không hiểu các quy định về thuế, và cũng không có cán bộ thuế nào nhắc nhở hay hướng dẫn nên năm qua gia đình tôi không có nộp thuế. Nếu hộ kinh doanh không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước thì sẽ phải chịu những hình thức xử lý như thế nào? Liệu có bị ngừng việc kinh doanh hay không?

Hồ Minh Nguyên, Đồng Nai

>> Theo quy định hiện hành về xử phạt vi phạm pháp luật thuế, nếu hộ kinh doanh không thực hiện nghĩa vụ thuế thì tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để cơ quan thuế xử phạt cảnh cáo hoặc xử phạt bằng tiền theo quy định. Trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính về thuế, nếu hộ kinh doanh vi phạm pháp luật về thuế ở mức cao và có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện việc ngừng kinh doanh và chuyển sang xử lý hình sự.

- Hộ kinh doanh cá thể của tôi nhỏ, như do phải làm nhiều ca nên có hơn 10 lao động. Tôi thấy trong Thông tư số 92/2015/TT-BTC quy định hộ cá thể có trên 10 lao động phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Vì sao phải quy định điều này? Nếu chúng tôi vẫn không muốn thành lập doanh nghiệp có được không, vì chúng tôi không muốn tăng thêm chi phí kế toán để báo cáo thuế.

Nguyễn Thị Lan, Tân Bình, TPHCM

>> Tinh thần của pháp luật là các hộ kinh doanh với quy mô lớn, chủ yếu cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp, sử dụng nhiều lao động cần thiết phải được chuyển lên doanh nghiệp vì các lý do:

1. Cơ quan thuế quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp theo sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ. Việc này sẽ rất có lợi cho cơ sở kinh doanh vì sẽ chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, không bị phụ thuộc vào việc ấn định thuế của cơ quan thuế, tránh tình trạng bị nhũng nhiễu, thoả thuận ngầm;

2. Đối với doanh nghiệp, việc xuất hóa đơn đầu ra luôn phải tương ứng với hàng hóa, dịch vụ đầu vào, điều này sẽ tránh được tình trạng xuất khống hóa đơn nhằm hợp thức hóa đầu vào cho doanh nghiệp khác và đơn vị sử dụng tiền ngân sách nhà nước, điều mà hiện nay đang bị lợi dụng tại các hộ khoán không bị bắt buộc phải thực hiện sổ sách kế toán;

3. Người lao động trong các cơ sở kinh doanh này cũng sẽ được hưởng các quyền lợi mà người sử dụng lao động phải có trách nhiệm như đóng bảo hiểm xã hội, hưởng phụ cấp, trợ cấp theo quy định của Bộ luật Lao động. 

Có thể thấy Thông tư 92/2015/TT-BTC đã có những giải pháp để giải quyết tình trạng bất cập nêu trên, chứ không nhằm mục tiêu ép các tiểu thương phải thành lập doanh nghiệp. Chủ trương tuyên truyền để các hộ kinh doanh có đủ điều kiện chuyển lên doanh nghiệp là một chủ trương đúng đắn nhằm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế và của người lao động trong các cơ sở này chứ không nhằm mục tiêu tăng thu ngân sách. Để tránh gây xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành thuế sẽ triển khai việc quản lý hộ khoán theo hướng:

+ Đối với hộ kinh doanh quy mô nhỏ, chủ yếu cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, không sử dụng hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn lẻ thì cơ quan thuế sẽ xây dựng mức doanh thu khoán phù hợp với thực tế không bao gồm doanh thu hóa đơn. Hộ kinh doanh sẽ nộp thuế theo doanh thu khoán và doanh thu theo hóa đơn lẻ theo từng lần phát sinh.

+ Đối với hộ kinh doanh lớn chủ yếu cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp, thường xuyên phải sử dụng nhiều hóa đơn thì sẽ được cơ quan thuế tuyên truyền để thành lập doanh nghiệp, thực hiện sổ sách kế toán, xuất hóa đơn và nộp thuế theo thực tế kinh doanh. Trong thời gian chưa chuyển lên doanh nghiệp, các hộ kinh doanh này cũng vẫn nộp thuế theo hình thức khoán. Doanh thu khoán năm 2016 sẽ được xác định khác với trước đây, doanh thu khoán sẽ chỉ được xây dựng cho doanh thu không xuất hóa đơn, còn đối với doanh thu xuất hóa đơn sẽ nộp thuế theo thực tế phát sinh trên hóa đơn.

(Tổng Cục thuế)


Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323

Tin cùng chuyên mục