Tư vấn kinh tế - pháp luật

NGUYỄN HỮU MINH, quận Bình Tân, TPHCM

° Công ty tôi có anh A làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, nhưng anh ta liên tục đi làm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi đọc luật thấy người vi phạm không hoàn thành nhiệm vụ 2 lần trở lên có thể bị đuổi việc, vậy chúng tôi ra quyết định đuổi việc anh ta có được không? (NGUYỄN HỮU MINH, quận Bình Tân, TPHCM)

° Theo quy định tại Luật Lao động, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người sử dụng lao động trong trường hợp “người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động”. Thế nhưng, để xác định người lao động “thường xuyên” không hoàn thành nhiệm vụ, anh phải có bằng chứng bằng văn bản cho thấy người lao động có 2 lần trở lên không hoàn thành nhiệm vụ. Bằng chứng có thể là lập biên bản việc người lao động không hoàn thành nhiệm vụ tại thời điểm đó, hoặc biên bản họp của đơn vị thông báo anh ta không hoàn thành nhiệm vụ… Khi có từ 2 lần trở lên, người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với người lao động. Tuy nhiên, luật quy định khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Chúng tôi cũng cho biết thêm, từ ngày 1-7-2016, DN sa thải người lao động trái pháp luật không bị bồi thường dân sự như trước đây mà có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Người sử dụng lao động, cụ thể là người đại diện theo pháp luật của công ty sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp sa thải người trái pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015, nếu vì lý do vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà tiến hành sa thải người lao động trái pháp luật, khiến cho người lao động hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công thì sẽ bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt tù treo từ đến 1 năm hoặc phạt tù giam từ 3 tháng đến 1 năm. Nếu sa thải trái pháp luật từ 2 người trở lên, phụ nữ có thai, người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc làm người đó tự sát thì theo quy định tại Khoản 2 Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng, tù treo đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Do vậy, người sử dụng lao động cần tiến hành các bước sa thải người theo đúng trình tự, thủ tục để tránh rủi ro pháp lý.

Thạc sĩ luật ĐẶNG THỊ HÀN NI

Tin cùng chuyên mục