Hỏi: Gia đình chúng tôi có 3 anh em là con của ông A và bà N. Chúng tôi cùng nhau góp vốn thành lập một công ty TNHH, đăng ký trụ sở chính tại quận 6, TPHCM. Tài sản góp vốn ngoài tiền mặt còn có một căn nhà do cha mẹ tặng cho cả 3 chúng tôi trước khi sang Mỹ định cư. Nay một người trong 3 anh em chúng tôi tranh chấp về giá trị tài sản trong công ty vì cho rằng căn nhà của cha mẹ chúng tôi chỉ tặng cho riêng người này. Chúng tôi đã cùng nhau khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận 6 yêu cầu giải quyết tranh chấp quyền sở hữu căn nhà. Sau khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án nhân dân quận 6 đã chuyển hồ sơ về Tòa án nhân dân TPHCM vì cho rằng do cha mẹ chúng tôi đang định cư ở Mỹ nên vụ án có yếu tố nước ngoài và vụ việc có liên quan đến tài sản của công ty. Xin hỏi, chúng tôi phải giải quyết vấn đề như thế nào? (Nguyễn K, đại diện Công ty TNHH A, quận 6, TPHCM)
Đáp: Trước hết cần phải xác định trong vụ việc này có 2 tranh chấp khác nhau:
- Tranh chấp giữa 3 anh em anh đối với quyền sở hữu căn nhà: Đây là tranh chấp dân sự giữa các cá nhân với nhau về quyền sở hữu đối với tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011).
- Tranh chấp giữa 3 anh em của anh với tư cách là thành viên của Công ty TNHH A về giá trị tài sản góp vốn vào công ty: Đây là tranh chấp về kinh doanh, thương mại theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004.
Anh em của anh tranh chấp về giá trị tài sản góp vốn vào công ty nhưng khi khởi kiện lại tranh chấp về quyền sở hữu căn nhà. Vì vậy, vụ án giải quyết tại Tòa án nhân dân quận 6 là tranh chấp dân sự. Trong vụ án này, vì cha mẹ của anh là người đã tặng cho căn nhà nên là người có quyền và nghĩa vụ có liên quan trong vụ án và cả hai đều đang định cư ở nước ngoài. Theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện nhưng có đương sự ở nước ngoài thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Mà theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 thì đương sự trong vụ án dân sự gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Như vậy, việc Tòa án nhân dân quận 6 chuyển hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân TPHCM vì cho rằng có yếu tố nước ngoài là đúng theo quy định của pháp luật.
Trong vụ việc này, để giải quyết tranh chấp quyền sở hữu căn nhà anh em các anh và mẹ của các anh phải giải quyết vấn đề thừa kế căn nhà trước. Tuy nhiên, do cha của các anh không còn quyền sở hữu căn nhà vì đã tặng cho anh em các anh nên không có cơ sở giải quyết vấn đề thừa kế. Vụ tranh chấp rơi vào tình trạng rất khó giải quyết. Theo quan điểm của cá nhân tôi, anh em các anh nên rút đơn khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp quyền sở hữu căn nhà để Tòa án nhân dân TPHCM đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011). Sau đó, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH A sẽ nộp đơn khởi kiện tranh chấp về giá trị tài sản góp vốn vào công ty. Khi đó, Tòa án nhân dân quận 6 sẽ giải quyết vụ án tranh chấp về kinh doanh, thương mại và cha mẹ của các anh sẽ không cần phải tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì quyền sở hữu đối với căn nhà đã chuyển cho Công ty TNHH A từ thời điểm góp vốn.
BÀNH QUỐC TUẤN (Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật)
| |