* Tôi làm việc cho công ty với hợp đồng không xác định thời hạn. Vừa qua tôi nộp đơn xin thôi việc và báo trước sẽ nghỉ ngay ngày thứ 30 kể từ ngày nộp đơn. 20 ngày sau, công ty đã tuyển dụng người khác vào làm thay thế vị trí của tôi. Tuy nhiên, trong thời hạn 30 ngày đó tôi đổi ý không muốn nghỉ nữa nên tôi đã xin rút đơn để tiếp tục đi làm. Yêu cầu của tôi có được chấp nhận không? (Nguyễn Văn Năm, quận Bình Tân, TPHCM)
* Bộ luật Lao động 2012 có một chút thay đổi so với Bộ Luật lao động 1994 liên quan đến việc rút lại quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Cụ thể, tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Mỗi bên đều có quyền hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết thời hạn báo trước nhưng phải thông báo bằng văn bản và phải được bên kia đồng ý”. Như vậy việc người lao động của doanh nghiệp đã xin đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng rút lại quyết định này trong tình huống nói trên là phù hợp. Tuy nhiên, việc rút lại quyết định này phải trên cơ sở có sự thỏa thuận của hai bên. Do đó, nếu doanh nghiệp không muốn giữ lại thì vẫn có thể từ chối bằng văn bản với người lao động.
* Doanh nghiệp yêu cầu tôi làm thêm giờ một số ngày trong tháng 6. Tuy nhiên vì lý do riêng nên tôi không thể làm thêm theo yêu cầu. Nhưng khi tôi từ chối làm thêm thì cán bộ phòng nhân sự lập biên bản và cảnh báo đó là một vi phạm và sẽ kỷ luật tôi. Nếu doanh nghiệp xử lý kỷ luật tôi thì đúng hay sai? (Nguyễn Ngọc Mai, Dĩ An, Bình Dương).
* Việc làm thêm giờ là quyền của người lao động chứ không phải là nghĩa vụ. Do đó, về nguyên tắc việc làm thêm phải được tiến hành trên cơ sở thỏa thuận của cả hai bên, người lao động và người sử dụng lao động. Điều 106 khoản 2 Bộ luật Lao động 2012 quy định như sau: “Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: “Được sự đồng ý của người lao động; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày...; sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ”.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đặc biệt, người lao động không được từ chối làm thêm giờ. Cụ thể, Điều 107 quy định người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật.
2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.
Do đó, nếu anh được huy động làm thêm không rơi vào những trường hợp này thì doanh nghiệp không có quyền buộc làm thêm cũng như không có quyền xử lý kỷ luật khi anh không làm thêm.
TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP
(Khoa Luật, ĐH Kinh tế Luật)