Chúng tôi nghe nói doanh nghiệp đầu tư mở rộng sẽ được miễn thuế. Vậy tôi xin hỏi năm 2013 doanh nghiệp của chúng tôi có đầu tư thêm máy móc thì có thuộc diện đầu tư mở rộng không? (Đại diện một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)
Thông tư 30/2016/TT-BTC quy định rõ, từ năm 2009-2013, trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng quỹ khấu hao cơ bản tài sản cố định của doanh nghiệp, sử dụng lợi nhuận sau thuế tái đầu tư, sử dụng vốn trong phạm vi vốn đầu tư đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước để đầu tư bổ sung máy móc thiết bị thường xuyên và không tăng công suất sản xuất kinh doanh theo đề án kinh doanh đã đăng ký hoặc được phê duyệt thì không phải là đầu tư mở rộng.
Do anh/chị không nói rõ vốn đầu tư máy móc, thiết bị từ nguồn nào, có làm tăng công suất sản xuất không… nên chúng tôi cung cấp thông tin để anh/chị tự đối chiếu thực hiện.
Được biết Thông tư 130 có quy định bổ sung thêm đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, mà đối tượng kinh doanh của chúng tôi là các hoạt động mang tính chất phúc lợi xã hội thì có được miễn thuế giá trị gia tăng không? Cụ thể, Thong tư 130 quy định thêm đối tượng miễn thuế là đối tượng nào? (Nguyễn Nam Anh, quận Bình Tân, TPHCM).
Thông tư 130 có quy định thêm đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm:
Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, bao gồm cả chăm sóc về y tế, dinh dưỡng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật.
Vận chuyển hành khách công cộng gồm vận chuyển bằng xe buýt, xe điện (tàu điện) theo các tuyến trong nội tỉnh, trong đô thị và các tuyến lân cận ngoại tỉnh theo quy định pháp luật về giao thông.
Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc đã chế biến thành sản phẩm khác nhưng tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên khoáng sản; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên khoáng sản.
Doanh nghiệp chúng tôi thường nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu cho sản xuất. Nghe nói Bộ Tài chính có quy định bổ sung thêm đối tượng được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, tôi muốn hỏi cụ thể là mặt hàng nào? Việc khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt được tính ra sao? (Nguyễn Thế Nam, TP Biên Hòa, Đồng Nai)
Thông tư 130/2016/TT-BTC có sửa đổi, bổ sung một số trường hợp không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm:
Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hóa nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hóa được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ 2 loại hàng hóa sau: hàng hóa được đưa vào khu được áp dụng quy chế khu phi thuế quan có dân cư sinh sống, không có hàng rào cứng và xe ô tô chở người dưới 24 chỗ. Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch và tàu bay sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng.
Người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ số thuế đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bán ra trong nước. Số thuế được khấu trừ tương ứng với số thuế của hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu bán ra và chỉ được khấu trừ tối đa bằng tương ứng số thuế tiêu thụ đặc biệt tính được ở khâu bán ra trong nước. Trường hợp đặc biệt đối với số thuế không được khấu trừ hết do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
(Nguồn: Tổng cục Thuế)
Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: 0903.975323.