Đập Hai Thà đắp ngang kinh Hai Thà ở ấp Trùm Thuật B, là một trong 3 cống, đập bao tiêu vùng sản xuất nông nghiệp xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Bức xúc vì cản trở đường lưu thông tại đập Hai Thà, ngày 27-10, khoảng 70 hộ dân ở các ấp Trùm Thuật B, Cây Gừa, Kinh Ngang kéo nhau đến phá đập.
Hạn chế giao thông
Tiểu vùng điều tiết nước phục vụ sản xuất tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời rộng hơn 5.000ha (diện tích toàn xã hơn 6.000ha). Bao quanh bởi hệ thống sông ngòi nạo vét thông thoáng gồm 3 cống, đập chính chủ động nước: cống Kinh Chủ Mía (giáp xã Khánh Hưng), cống Kinh Mới (giáp xã Khánh Bình Tây) và đập Hai Thà, ấp Trùm Thuật B. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, tiểu vùng này vẫn chưa khép kín. Bốn bề nước ngọt nhưng chỉ duy nhất cống Hai Thà vẫn đắp kín, hạn chế đường lưu thông, giao thương.
“Phía cống Kinh Chủ Mía và cống Kinh Mới vì phục vụ vận chuyển vật tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn nên hơn 3 năm nay được khai thông. Chỉ đập Hai Thà là giữ nguyên hiện trạng”- ông Huỳnh Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, cho biết.
Trước đây, do các kinh thủy lợi chưa được nạo vét thông thoáng nên việc tháo nước phục vụ sản xuất của toàn xã Khánh Hải hết sức khó khăn. Để thuận tiện lưu thông, UBND xã Khánh Hải hợp đồng với hộ dân làm cầu kéo. Mỗi phương tiện thủy qua lại phải trả tiền, tùy theo tải trọng. Hiện nay, sự tồn tại của con đập này dường như không có giá trị phục vụ sản xuất của người dân mà chỉ đem lại lợi ích cho chủ cầu kéo. Chiếc cầu kéo vẫn ngày ngày hì hục kéo xuồng, ghe lưu thông. Việc đập Hai Thà tồn tại gây ảnh hưởng lớn đến giao thương của người dân trong vùng. Lúa làm xong từ vụ hè thu đến nay chưa bán được do chênh lệch giá quá lớn. Ngoài tuyến sông lớn Rạch Lùm cách chừng vài trăm mét, ghe mua lúa giá 5.800 - 6.000 đồng/kg, trong khi ở Kinh Giữa cao nhất chỉ 5.500 đồng/kg.
Ông Nguyễn Chí Tâm, ấp Kinh Giữa, băn khoăn: “Nhà còn hơn 400 giạ lúa chưa bán được. Trong khi nợ tiền phân, tiền thuốc khoảng 18 triệu đồng chưa thanh toán. Giờ lại phải chuẩn bị làm tiếp vụ đông xuân. Nếu bóp bụng bán 400 giạ lúa đành chịu lỗ khoảng 4 triệu đồng”.
Đây là nỗi lo chung của người dân xứ Khánh Hải mấy mùa nay. Ghe mua lúa muốn vào tận đây thu mua phải đi vòng từ phía cống Kinh Mới, cách UBND xã hơn 5km. Thu mua xong phải đi vòng ra. Chỉ tính tổng chiều dài hơn 15km, chi phí cho mỗi chuyến ghe cũng vài triệu đồng. Nếu không có đập Hai Thà, đường đi sẽ ngắn bằng 1/3.
Chính vì thế, thương lái mua lúa vùng này thường rẻ hơn 500 - 1.000 đồng/kg. Ngược lại, các loại nông sản khác khi về vùng này giá đội lên với lý do: “Chi phí qua cống, chi phí đi vòng, thậm chí đò đưa rước học sinh cũng tăng giá” - ông Nguyễn Văn Khởi, một người dân sống trong đập xót xa.
Giải pháp an dân
Anh Nguyễn Thanh Mộng, ấp Kinh Giữa, vẫn còn ngỡ ngàng: “Ngay sau khi phá đập, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại hăm dọa”. Còn vợ chồng anh Cón, ấp Trùm Thuật B, kể: “Chúng đòi giết, đốt nhà tôi”. Ông Huỳnh Minh Chiến cho biết: “Ngay sau khi sự vụ xảy ra, xã cử cán bộ xuống hiện trường và dàn xếp mâu thuẫn, đồng thời lập biên bản chờ xử lý. Hiện đập Hai Thà bị bà con khai đường đi rộng khoảng 4m, sâu 0,5m. Xuồng nhỏ và vỏ lãi đã lưu thông, cầu kéo giờ chỉ còn phục vụ ghe, tàu trọng tải lớn”.
Hỏi về cách giải quyết của địa phương, ông Chiến cho biết: “Chúng tôi sẽ họp dân xin ý kiến về khép kín tiểu vùng.
Đồng thời, kế hoạch xây dựng 3 cống, đập phục vụ tiểu vùng có từ trước nhưng do chủ trương cắt giảm đầu tư công nên chưa triển khai. Trước mắt, vụ lúa đông xuân sẽ gieo sạ vào đầu tháng 10 Âm lịch, nếu bà con đồng ý, trong nay mai hệ thống cống đập phục vụ cho tiểu vùng sẽ đắp khép kín. Đời sống và hiệu quả sản xuất của bà con trong xã sẽ nâng cao”.
Cùng quan tâm vấn đề này, hơn 20 hộ dân ấp Kinh Giữa kiến nghị: “Không cần phải khép kín tiểu vùng, vì thời gian qua các cống, đập phục vụ sản xuất như ý định của các cơ quan thẩm quyền ở Khánh Hải có hoàn thiện đâu mà bà con vẫn sản xuất hiệu quả. Giờ đắp cống, đập chỉ khiến nông dân Khánh Hải càng thêm khó. Khó tiêu thụ nông sản làm ra và khó lưu thông”.
Hơn 70 hộ dân tham gia phá đập Hai Thà vẫn đang nơm nớp lo sợ. Anh Mộng cùng nhiều bà con khác cũng dè dặt mỗi khi ra khỏi nhà. “Qua điện thoại, họ cứ đòi lấy mạng. Bây giờ có chuyện ra khỏi nhà sợ lắm”- anh Mộng ái ngại. Vậy là những bức xúc nhỏ chưa được giải quyết thấu đáo, vô tình đưa nông dân vùng quê yên bình giàu truyền thống cách mạng vào tình cảnh lo âu.
Phong Phú