Đoàn công tác gồm đại diện Sở Y tế, Hội Y học TPHCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng vừa tổ chức chuyến thăm và tặng quà các gia đình ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ ở huyện Cần Giờ.
Ngồi trên chiếc đò máy chòng chềnh sóng vỗ, bác sĩ Luân Thanh Trường, Trạm trưởng trạm y tế xã Thạnh An vẫn luôn miệng kể về công tác chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của người dân nơi xã đảo duy nhất của TPHCM, nơi còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu sống nhờ biển và do tính chất công việc nên đa số bị bệnh về huyết áp, tim mạch và xương khớp... Do cách biệt đất liền, việc đi lại trên đảo cũng rất khó khăn, nên khi có bệnh, cần thiết bác sĩ phải đến tận nhà thăm khám cho dân. Mỗi khi có những trường hợp cấp cứu, thì bà con cùng chung tay nhau lo để tức tốc chuyển nhanh người bệnh vào đất liền. Tình cảm thắm thiết của nhân dân cũng là một trong những lý do mà các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế tại xã đảo không muốn rời xa nơi này.
Đại diện Báo SGGP tặng quà cho cán bộ y tế cơ sở huyện Cần Giờ
Sau 45 phút vượt biển bằng đò đến xã Thạnh An, tại đây đoàn công tác đã trao tặng 45 túi sơ cấp cứu y tế (gần 2 triệu đồng/túi, tổng trị giá gần 90 triệu đồng do Hội Y học TPHCM và chương trình ‘Vững lòng biển đảo” của Báo SGGP chung góp) giúp các gia đình ngư dân đánh bắt thủy sản xa bờ của huyện Cần Giờ. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Cần Giờ là huyện còn nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân nói chung, đặc biệt là ngư dân đánh bắt xa bờ. Sau khi khảo sát thực tế, Sở Y tế nhận thấy cần phải trang bị túi thuốc sơ cấp cứu y tế trên các tàu của ngư dân đánh bắt xa bờ. Bác sĩ Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường cũng nêu rõ: “Ngoài thuốc và y cụ cấp cứu, trong túi cấp cứu còn có tài liệu hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn 5 kỹ thuật sơ cấp cứu để ngư dân tự chữa bệnh khi không có y bác sĩ trên biển”.
|
Được biết, những túi thuốc sơ cấp cứu y tế này được trang bị theo chuẩn Quy định của Bộ Y tế cho tàu đánh cá xa bờ có từ 7 - 15 ngư dân/ tàu), bao gồm: thuốc tim mạch, kháng sinh, tiêu hóa và các dụng cụ y tế: Băng thun, băng cuộn, băng hình tam giác, nhiệt kế thủy ngân, nẹp cẳng tay, nẹp cẳng chân, nẹp máng đùi, nẹp khớp gối, nẹp cổ cứng H1, máy đo huyết áp đồng hồ (kim loại), kéo thẳng đầu tủ, kim kẹp không mấu, bông gạc, băng dính y tế, cáng... Đoàn công tác hy vọng món quà nhỏ này sẽ giúp ngư dân Cần Giờ có thể chủ động sơ cấp cứu kịp thời trong những chuyến đi biển dài ngày. Bà Nga, một người dân ở xã Thạnh An, vui vẻ kể: “Dân ở đây bệnh nặng đều được bác sĩ Trường ở trạm y tế xuống chữa hết bệnh nên không phải chuyển vào đất liền. Bác sĩ rất tốt, ai cũng mến ông. Có bác sĩ Trường là yên tâm, cái gì bác cũng chữa được. Ông Cao Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBMTTQ VN huyện Cần Giờ chia sẻ, toàn huyện có 45 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 250 thuyền viên. Bà con ngư dân rất xúc động khi được Sở Y tế, Hội Y học TPHCM, Báo SGGP đến thăm và tặng túi sơ cấp cứu giúp các gia đình ngư dân đánh bắt thủy sản xa bờ. Đây là một nghĩa cử cao đẹp, có ý nghĩa thiết thực, giúp ngư dân chủ động tự bảo vệ sức khỏe, yên tâm bám biển dài ngày.
VIỆT NGA