Túi xách hiện là 1/26 ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD của Việt Nam. Trong khi hầu hết những mặt hàng xuất khẩu khác đều trải qua giai đoạn lớn mạnh ở thị trường bên ngoài, sau mới quay lại thị trường trong nước thì ngành túi xách lại đi theo con đường ngược lại, trưởng thành từ thị trường nội địa, đang đẩy mạnh mở rộng xuất khẩu.
- Khẳng định chỗ đứng thị trường nội địa
Cũng có nguyên liệu sản xuất tương đối giống nhau nhưng từ trước đến nay, các sản phẩm túi xách (bao gồm túi xách, bóp ví, vali…) được tính tách rời với da giày. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2012, Bộ Công thương giao ngành da giày phụ trách luôn ngành túi xách và có thể Hiệp hội Da giày sẽ được đổi tên thành Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam.
Da giày vốn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, xếp thứ 3 trong nhóm hàng xuất khẩu chính mang lại giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam, mặt hàng túi xách ít được nhắc đến. Tuy nhiên, với kim ngạch xuất khẩu 1,33 tỷ USD trong năm 2011, túi xách đã bắt đầu vươn lên, khẳng định tên tuổi. Điều đáng ghi nhận, tại thị trường nội địa, nhiều thương hiệu túi xách như Miti, Hami, Mr.Vui… đã chiếm lĩnh phân khúc sản phẩm cặp học sinh, túi đeo, ba lô của sinh viên…
Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết, năm 2011, tiêu thụ nội địa mặt hàng túi xách, ba lô các loại ước khoảng 25 triệu sản phẩm, trong đó doanh nghiệp trong nước sản xuất, cung ứng khoảng 15 triệu sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Nguyện, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Hương Mi (Hami), cho biết thị trường nội địa hiện là thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm của Hami, chiếm 90% sản lượng sản xuất. Sản phẩm Hami sử dụng 50% nguyên liệu nội địa và sản phẩm cặp học sinh, ba lô, túi đeo được bán khá chạy. Hiện sản phẩm của Hami có mặt trên cả nước, tại hầu hết hệ thống phân phối, bán lẻ lớn và đã xuất khẩu sang thị trường Brasil, EU.
Các doanh nghiệp sản xuất túi xách nhận định, riêng mặt hàng cặp, ba bô, túi mang sản phẩm nội đang áp đảo, chiếm thị phần lớn so với hàng nước ngoài. Theo Lefaso, sẽ không có sự chuyển biến lớn trong thị trường nội địa, mức sản xuất và tiêu thụ túi xách cũng sẽ duy trì con số của năm 2011, hoặc nhỉnh hơn 5%-8% trong năm 2012. Lý do, túi xách chưa phải là sản phẩm thời trang được quan tâm nhiều, chủ yếu vẫn tập trung vào các loại cặp học sinh, ba lô sinh viên.
- Mở rộng xuất khẩu
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, cho biết trong 10 hãng túi xách nổi tiếng hàng đầu thế giới đang sản xuất tại Trung Quốc, thì có đến 8 hãng đang đặt vấn đề chuyển sản xuất túi xách qua Việt Nam. Túi xách đang là ngành hàng “có ăn”, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, bên cạnh sản xuất mặt hàng chủ lực da giày, nhiều doanh nghiệp da giày đã nắm bắt cơ hội, đầu tư mở xưởng sản xuất túi xách cho nhiều thương hiệu lớn trên thế giới. Công ty CP Đầu tư và sản xuất giày Thái Bình (TBS), một doanh nghiệp sản xuất giày khá lớn của Việt Nam, vừa hợp tác với hãng túi xách Coach. Trong năm 2011, TBS đã đầu tư 10 triệu USD xây dựng nhà xưởng may và xuất khẩu túi xách sang thị trường Mỹ. Hiện TBS đã có đơn hàng sản xuất cho năm 2012 trị giá 10 triệu USD. Dự kiến, năm 2012, TBS sẽ sản xuất 5 triệu túi xách.
Ông Thuấn nhận định, tiêu thụ hàng da giày-túi xách tại thị trường nội địa đang có chiều hướng tích cực. Người dân Việt Nam đã bắt đầu tẩy chay hàng giá rẻ, kém chất lượng của Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã phát triển tốt tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, phần lớn chỉ mới tập trung vào phân khúc cặp học sinh, ba lô, giày bình dân. Mặt hàng giày thể thao, cao cấp của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn vắng bóng. Tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu trong ngành da giày-túi xách đang tăng cao.
Trước nay, túi xách xuất khẩu phần lớn tập trung vào doanh nghiệp FDI. Thời gian gần đây, doanh nghiệp trong nước mới tiếp cận sâu hơn vào ngành này. Hiện doanh nghiệp túi xách trong nước chỉ mới chiếm khoảng 5% kim ngạch xuất khẩu. Lefaso hy vọng với bước tiến mới trong xuất khẩu túi xách, kim ngạch xuất khẩu túi xách của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 30% trong vài năm tới. Hiện nay, đơn hàng xuất khẩu túi xách cho năm 2012 khá ổn định, đặc biệt là túi xách thời trang. Năm 2012, dự kiến ngành túi xách có tốc độ xuất khẩu tăng nhanh hơn so với da giày, dự kiến tăng khoảng 15%. Toàn ngành da giày-túi xách sẽ đạt 8,5 tỷ USD trong năm 2012, trong đó da giày đạt 7 tỷ USD, túi xách đạt 1,5 tỷ USD.
MỸ HẠNH