Trả lời kiến nghị của người dân và cử tri liên quan đến việc xóa quy hoạch “treo” trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM (QH-KT), cho biết thời gian qua, Sở QH-KT thường xuyên phối hợp với UBND các quận huyện để thực hiện công tác rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các đồ án quy hoạch 1/2000, quy hoạch 1/500 được phê duyệt, đã đến kỳ hạn rà soát và đánh giá sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch nhằm vừa khắc phục tình trạng quy hoạch thiếu khả thi, hạn chế gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong khu quy hoạch vừa phù hợp với định hướng quy hoạch chung và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận huyện theo từng giai đoạn phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của TP.
Hiện nay, thực hiện theo Nghị quyết 21/2017 của HĐND TPHCM về công tác quản lý quy hoạch đô thị và giải quyết các dự án chậm triển khai trên địa bàn TPHCM, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở QH-KT đang tiếp tục phối hợp với các sở ngành và UBND các quận huyện xem xét, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành thêm các chính sách về nhà, đất nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng trong các khu vực có quy hoạch được duyệt nhưng chưa có nguồn lực thực hiện.
Cụ thể, Sở QH-KT đã có công văn 3272/2018 về giải quyết các vướng mắc trong thủ tục xây dựng và đất đai đối với khu vực quy hoạch chức năng sử dụng đất hỗn hợp và dân cư xây dựng mới. Theo đó, đất nằm trong khu quy hoạch chức năng đất hỗn hợp được chia làm 3 trường hợp để căn cứ quyết định cấp giấy phép xây dựng.
Cụ thể, khu vực chiếm trên 50% diện tích đất hỗn hợp với cơ cấu chức năng chính là loại hình nhà ở chung cư kết hợp với thương mại - dịch vụ - văn phòng (không có công viên cây xanh, công trình công cộng); hiện trạng có nhiều nhà ở, đất ở gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân thì được cấp giấy phép xây dựng chính thức.
Đối với khu vực chiếm 30% diện tích đất hỗn hợp với cơ cấu chức năng chính là công trình thương mại - dịch vụ - văn phòng, không có nhà ở; khu vực không có nhà ở, đất ở của người dân mà chỉ có nhà xưởng, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm cần di dời và không gây ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân thì được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, với điều kiện người dân có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Đối với khu quy hoạch chiếm trên 20% diện tích đất hỗn hợp, phổ biến là loại hình nhà ở chung cư kết hợp với thương mại - dịch vụ - văn phòng; hiện trạng có nhiều nhà ở, đất ở lụp xụp; cần thu hút các dự án đầu tư xây dựng để chỉnh trang đô thị và khu vực này phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết, tháo dỡ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân thì chưa giải quyết cấp giấy phép xây dựng.
Sở QH-KT sẽ phối hợp với các quận huyện rà soát để điều chỉnh quy hoạch thành đất ở hiện hữu mới được cấp giấy phép xây dựng. Còn đối với đất nằm trong khu quy hoạch đất dân cư xây dựng mới và các loại đất ở khác tương tự (đất ở nhà vườn, đất ở cao tầng, đất ở thấp tầng) thì việc cấp giấy phép xây dựng riêng lẻ thực hiện theo Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc chung của TP được ban hành kèm theo Quyết định 29/2014 của UBND TP.
Áp dụng quy định tầng cao cơ bản (không áp dụng các tầng cộng thêm) theo quy định về kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu được UBND TP ban hành tại Quyết định 135/2007. Hiện UBND TP đã giao các sở ngành nghiên cứu, hướng dẫn và Sở QH-KT đang tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng trong khu quy hoạch.